‘Bó tay’ với con
Mùng 3 năm nay, vợ chồng chị Trang (Định Công, Hà Nội) đang rất đau đầu trước lời mời cho các con cùng đi chơi ăn uống tại nhà của bạn bè. Nghĩ lại vụ um xùm ngày Tết năm ngoái của con mình, chị Trang vẫn không hết xấu hổ.
Bé Ben là cháu đích tôn trong gia đình nhà chồng, từ nhỏ đã quen được ông bà chiều chuộng hết mực. Gia đình vốn cũng khá giá nên dù Ben đòi gì, ông bà cũng tươi cười mua cho cháu bằng được. Tết năm ngoái, vợ chồng chị đưa Ben đi ăn uống tụ tập cùng con cái của bạn bè tại nhà một anh trong hội. Vừa đến nơi, Ben lao ngay vào bếp đòi mở tủ lạnh lôi hết bánh kẹo và kem tráng miệng của con anh bạn để ăn rồi còn nằng nặc đòi mẹ bê hết về nhà. Xấu hổ nhưng chiều con, chị Trang cũng lấy về cho con mỗi loại một ít. Tưởng vậy là xong chuyện, ai dè đến ‘tiết mục’ lì xì, chị Trang mới thấy choáng váng vì độ hư của con trai mình.
Ở nhà quen được ông bà chiều chuộng, lì xì nhiều nên khi thấy mọi người đưa bao lì xì, Ben giở ngay ra để đếm xem là “tờ màu xanh hay tờ màu hồng”. Đến khi mở gói phong bì lì xì của một chú đưa cho Ben, do hay nghe bà nội ở nhà nói, cậu chàng nhận ra ngay đấy chỉ là tờ 20 nghìn. Nhanh miệng, Ben bĩu môi “Ôi có mỗi 20 tiền”..rồi nhanh nhàu vò nát, vứt sang một bên trước ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người và sự ái ngại của anh bạn cũ. Giận tím mặt, vợ chồng chị vội vàng xin lỗi các đồng nghiệp rồi đưa con về nhà.
Cùng hoàn cảnh với chị Trang là chị Hương (Đống Đa, Hà nội). Bống – con gái chị Hương vốn từ trước đến nay luôn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Mới 6 tuổi, Bống đã biết tự mua nhiều thứ bánh kẹo, đồ chơi, truyện tranh bằng cách tiết kiệm tiền quà sáng hoặc xin bố mẹ. Tuy nhiên, do không bao giờ có nhiều tiền nên Bống vẫn mong đến Tết để được lì xì, coi đó là một dịp "tăng thu nhập".
Ngày Tết, hễ có khách đến nhà là Bống dù đang làm gì cũng nhanh nhảu chạy ra chèo, khi được mừng tuổi thì cảm ơn rất lễ phép. Nếu không, cô bé cứ quanh quẩn bên bàn trà của bố mẹ, ngồi lì ở đấy cho đến khi khách “chột dạ” phải rút lì xì ra. Ai lúc về mà chưa đưa Bống nhắc ngay: "Bác chưa lì xì cho cháu". Điều này khiến chị Hương vô cùng ái ngại vì sợ mọi người cho rằng mình xúi con ra đòi tiền lì xì.
Cha mẹ cận dạy trẻ cách ứng xử với tiền lì xì
Cách nhận tiền lì xì cũng là điều bố mẹ nên giáo dục con (ảnh minh họa)
Ngày nay, trẻ em biết được giá trị của đồng tiền là khá sớm cũng bởi do trẻ nhỏ thời nay ngày càng được tiếp xúc nhiều với đồng tiền hơn như bố mẹ cho trẻ tiền ăn quà sáng, tiền mua truyện sách, tiền lì xì… Ngay cả những đứa trẻ mới được 3,4 tuổi cũng đã biết: “Tờ màu xanh thì to hơn tờ màu hồng”. Việc dạy trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền và cách tiêu tiền sao cho có ích vô cùng cần thiết, trong có có việc dạy cho trẻ nhận thức được ý nghĩa của phong tục mừng tuổi (lì xì) đầu năm. Rằng, đồng tiền mừng cho trẻ chỉ là mang ý nghĩa tượng trưng, cái chính là mang đến may mắn cho con trẻ, làm cho trẻ cảm nhận được những nét đẹp truyền thống trong phong tục lì xì.
Thái độ, hành vi của một đứa trẻ khi nhận tiền lì xì ra sao phản ảnh được những gì chúng đã được tiếp thu, được dạy dỗ từ gia đình và nền tảng giáo dục con cái chính là sự nêu gương của cha mẹ.
Khi trẻ nhận phong bao lì xì, cha mẹ cần dạy con có thái độ trân trọng, biết nói lời cảm ơn và chúc Tết. Cần để trẻ hiểu rằng, mỗi một phong bao lì xì là một lời chúc năm mới đến trẻ chứ không phải việc đánh giá tiền ít, hay tiền nhiều trong mỗi phong bao. Ngoài ra, bản thân bố mẹ, ông bà cần tránh bàn luận việc phong bao lì xì có bao nhiêu tiền mà cần giáo dục trẻ thái độ vui vẻ khi được nhận lì xì và định hướng cho con biết sử dụng những đồng tiền lì xì ấy có nhiều ý nghĩa.