Công trình này mang tên Truc Lam Anh Retreat tọa lạc tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), là sản phẩm của sự kết hợp giữa hai hình thái kiến trúc là mái hiên truyền thống Việt và nhà sàn đặc trưng của kiến trúc bản địa Tây Nguyên.
Truc Lam Anh Retreat nằm trong khuôn viên một công trình nhà ở rộng 400m2, đây không hẳn là nhà ở mà có bản chất là nhà “thảo bạt” - không gian chuyển tiếp, dùng để tổ chức ăn uống, tiệc tùng, giỗ chạp, tiếp khách hay là chốn nghỉ ngơi, thư giãn song hành cùng gian nhà chính.
Điểm nhấn của Truc Lam Anh Retreat là 1 sân thượng cong hình con thuyền ở trên mái, và phần sàn dưới đưa ra ngoài, nhằm tận hưởng triệt để sự thoáng đãng của khu đất rộng xung quanh nhà.
Mái của công trình là dạng hiên gạch ngói đỏ, gợi nhớ đến hình ảnh quen thuộc trong kiến trúc truyền thống của người Việt Nam.
Hệ mái được phát triển dài theo khu đất, song song và mở về phía gian nhà chính của gia đình để tăng sự kết nối giữa 2 không gian.
Nhóm KTS thiết kế công trình theo dạng không gian mở để thiên nhiên được đan xen vào bên trong nhà, nhằm mang lại cảm giác rộng rãi và thoáng mát hơn.
Để phân chia ước lệ giữa không gian trong và ngoài nhà, nhóm KTS sử dụng thủ pháp nâng sàn. Sàn còn tượng trưng cho hình ảnh những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.
Không gian của công trình được đóng mở đan xen nhằm hạn chế góc nhìn từ ngoài vào trong, tăng tính riêng tư cho công trình đồng thời mang lại sự đa dạng về góc nhìn từ trong ra và theo chiều ngược lại.
Theo nhóm KTS, công trình đem đến nét tương phản nhưng hài hoà giữa kiến trúc hiện đại và kiến trúc nhà ở truyền thống của người Tây Nguyên.
Không gian khối chức năng bao gồm quầy bar- bếp nhỏ nhằm san sẻ với gian nhà chính với chức năng bếp núc, pha chế, cùng với phòng vệ sinh, góc thư giãn.
Đặc biệt, công trình tạo hiệu ứng độc đáo, ấn tượng nhờ sự kết hợp, đan xen với giàn hoa giấy và tiểu cảnh hồ nước.
Khối đa năng của công trình bao gồm phòng trà, không gian nghỉ ngơi và thư giãn.
Vật liệu chủ yếu để xây dựng Truc Lam Anh Retreat có nguồn gốc địa phương gồm đá mài, đá tự nhiên, gỗ (từ công trình cũ),… với thiết kế nội thất mang đậm màu sắc của núi rừng Tây Nguyên.
Nguồn: https://tienphong.vn/nha-cap-4-mai-ngoi-theo-phong-cach-tay-nguyen-dep-nhu-tranh-ve-pos...Nguồn: https://tienphong.vn/nha-cap-4-mai-ngoi-theo-phong-cach-tay-nguyen-dep-nhu-tranh-ve-post1439506.tpo
Nhà - Vườn