Sinh ra trong 1 gia đình có truyền thống học ngành Nông Nghiệp nhưng chị Bùi Ngọc Dung (Văn Quán- Hà Đông) lại quyết định chọn nghề Kế toán. Tuy nhiên, khi bước sang tuổi 30, sở thích trồng cây bắt đầu “nảy mầm” bằng việc trồng hoa trang trí ngôi nhà mới. Tiếp đó, là vườn thủy canh trên cao và chị đã thành công.
Trồng rau sạch trên sân thượng
Thấy rau củ quả phun thuốc kích thích, bảo vệ thực vật nhiều nên chị Dung đã tự mình trồng rau sạch phục vụ bữa ăn hằng ngày. “Mình thấy nhiều vụ ngộ độc vì thực phẩm, mà chủ yếu do rau củ. Hơn nữa, rau mua ngoài chợ không thể kiểm chứng được nên đã quyết định trồng rau cho yên tâm, đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình”, chị Dung chia sẻ.
Chị Bùi Ngọc Dung đã quyết định tự mình trồng rau sạch trên sân thượng
Diện tích đất vườn của gia đình chị Dung không có nên chị đã tận dụng những chỗ trống có thể trồng được rau như sân thượng, ban công đủ nắng. Chị Dung cho hay: “Dân công sở không có nhiều thời gian nên mình chỉ tranh thủ ngó vườn vào buổi sáng và tối. Vì vậy, mình luôn nghĩ cách trồng rau sao cho hiệu quả nhất mà tốn ít thời gian”.
Áp dụng mô hình thủy canh
Thời gian đầu, chị Dung trồng rau bằng phương pháp thủ công. Chị cho biết, chị mua rất nhiều loại đất và chậu thông minh về trồng nhưng năng suất thấp, rau không đủ ăn. Vì vậy, chị luôn tìm cách trồng rau sạch để đủ ăn hằng ngày.
“Tình cờ vào diễn đàn, mình biết đến phương pháp thủy canh. Thấy rất hay, sạch sẽ, nhanh gọn nên mình đã ưng ý và áp dụng ngay. Giờ mình không phải bận rộn chăm sóc rau nhiều như trước mà năng suất cao hơn, số lượng rau sạch để ăn tương đối”, chị Dung tâm sự.
Khó khăn lớn nhất khi áp dụng mô hình thủy canh đó là vị trí. Trồng rau đòi hỏi nhiều ánh nắng nên phải chọn chỗ có ánh sáng để đảm bảo cây phát triển. Chị Dung cho biết, trồng rau theo phương pháp thủy canh chỉ cần tạo môi trường thuận lợi có đủ ánh sáng là cây phát triển nhanh. Riêng diện tích không cần nhiều vì đa phần là treo trên khung và đặt ở ban công.
Phương pháp thủy canh được chị Dung áp dụng
Lứa đầu tiên khi áp dụng mô hình thủy canh đã đem lại hiệu quả cao. Chị Dung kể: “Sau 1 tháng áp dụng, gia đình đã có rau muống, rau dền, cải bẹ để ăn. Mỗi lần thu hoạch mình cắt gọn, tỉa lá ăn dần, chỉ sau 1 tuần lại có thể thu hoạch tiếp. Lần đó, mình bất ngờ và vui vì đã thực hiện được ước mơ cho cả gia đình. Không những có rau sạch ăn mà vườn cây còn là nơi thư giãn, giải tỏa căng thẳng hiệu quả”.
Cách chăm sóc
Chia sẻ các chăm sóc rau thủy canh, chị Dung cho hay, rau thủy canh đơn giản hơn trồng đất. Môi trường thủy canh chủ yếu là nước nên phải đảm bảo đủ lượng nước. Từ một người không có kinh nghiệm trồng trọt, chị Dung đã biết cách chăm sóc rau sạch. Thời gian rảnh, chị đi mua hạt giống, giống cây và nghiên cứu đặc tính và cách chăm sóc của từng loại.
“Hằng ngày, mình chỉ nhặt bỏ những cây yếu, đã héo, tỉa lá úa, cành hỏng và theo dõi lượng nước. Đặc biệt, phương pháp này có thể trồng cây trái mùa và hầu hết các loại rau. Sau mỗi mùa, mình có thể giữ nguyên xơ dừa và tiến hành gieo hạt mới để phù hợp với khí hậu. Như mùa đông này, mình trông loại cải, xà lách, cải chân vịt, gieo hạt thì chỉ cần bỏ xơ dừa cũ thay xơ dừa mới và gieo thẳng hạt vào từng rọ rau chờ khoảng 1 tháng sau cây sẽ lớn”, chị nói rõ.
Đến nay, chị Ngọc Dung đã trồng rau được 5 tháng với đủ các loại như rau muống, diếp thơm, xà lách, cải canh, cải bẹ, rau dền, tía tô, húng, kinh giới, rau cần tây…
Từ một người không có kinh nghiệm trồng trọt, chị Dung đã biết cách chăm sóc rau sạch
Hằng ngày, chị nhặt bỏ những cây yếu, đã héo, tỉa lá úa, cảnh hỏng và theo dõi lượng nước
Chị Dung trồng rau trong những "chiếc cốc" nhựa
Và đặt trên đoạn ống dài
Nơi có đủ ánh sáng để cây sinh trưởng nhanh
"Cốc" rau dền tươi tốt
Mùng tơi nhiều lá
Một góc mô hình thủy canh trồng rau sạch
Rau dền cần nhiều ánh sáng hấp thụ
Trồng xen kẽ với rau muống
Khung cảnh khu vườn nhìn từ xa
Rau muống trắng xanh mởn
Chị Dung chăm sóc khu vườn nhỏ