Trầu bà hiện nay là một loại cây cảnh được nhiều người ưa thích, vì nó không chỉ dễ trồng, phát triển mạnh mà còn vì ý nghĩa phong thủy loại cây này mang lại. Vì lớn nhanh, lá luôn xanh tốt nên cây trầu bà tượng trưng cho sự phát triển thịnh vượng, tài lộc sinh sôi và thuận lợi về đường con cái.
Hơn nữa, cây trầu bà còn được ví như máy lọc không khí do loại cây này có thể hấp thụ tia bức xạ điện từ, khí thải từ động cơ, khói thuốc, các khí benzene.
Mặc dù nhiều người nói trồng trầu bà không cần phải chăm sóc nhiều, nhưng để cây xanh tươi, thân mọc dài, lá to quả thật không hề dễ dàng. Nếu chăm sóc không cẩn thận, rất dễ chỉ có thân dài ra mà không có lá hoặc thối rễ, vàng lá, cháy lá, rệp tấn công…
Với cây trầu bà, có người trồng trong chậu treo để cây thả dáng xuống hoặc trồng trong chậu từ dưới đất vươn lên. Nhiều người có thể hỏi, có sự khác biệt nào giữa hai phương pháp này không?
Cây trầu bà có thể trồng trong chậu treo để cây thả dáng xuống hoặc trồng trong chậu đặt dưới đất để cây leo lên.
Thực ra, cây trầu bà trồng trong chậu treo thường phát triển nhanh hơn, cành nhiều nhưng cành lại dễ gãy. Nhưng bởi vì sự phát triển của nó không tốn quá nhiều công sức, nên cây không cần quá nhiều chất dinh dưỡng, lá mọc ra sẽ nhỏ. Còn với cây trồng trong chậu đặt dưới đất, để liên tục leo lên và vận chuyển chất dinh dưỡng lên trên, các cành cây sẽ tương đối dày, lá sẽ to hơn.
Đặc biệt, để cây leo lên và phát triển xanh tốt, bạn hãy cắm một chiếc cọc vào giữa chậu cây. Chỉ cần tìm một ống nước bằng nhựa hoặc cọc gỗ và một vài chiếc khăn là bạn có thể hoàn thành chiếc cọc này rồi. Cách làm đơn giản như sau:
Bước 1: Chuẩn bị 1 chậu hoa sâu lòng, 1 chiếc cọc khoảng 1m, một vài chiếc khăn lớn không dùng đến, vài viên sỏi và 1 chai nhựa lớn hơn so với chiếc cọc.
Bước 2: Dùng khăn quấn quanh chiếc cọc đã chuẩn bị sẵn.
Bước 3: Chai nhựa cắt lấy phần đáy, khoan vài lỗ dưới đáy chai để thoát nước. Cắm chiếc cọc vào chính giữa phần đáy chai nhựa, bỏ sỏi vào đó để cố định, giữ chiếc cọc đứng thẳng.
Bước 4: Đặt giá thể chiếc cọc vừa tạo vào tâm của chậu hoa sâu lòng. Nếu giữa phần đáy chai nhựa và chậu hoa còn khoảng trống, bạn có thể dùng vài miếng xốp để lấp đầy khoảng trống đó, vừa giúp cố định chiếc cọc trong chậu vừa cải thiện khả năng thoát nước của cây trồng.
Bước 5: Cho đất vào trong chậu, tốt nhất nên chọn loại đất tơi xốp, thoáng khí và có khả năng giữ ẩm, chất dinh dưỡng tốt. Bạn có thể trộn đất trồng với phân chuồng hoai mục hoặc than củi lâu ngày để có được loại đất này.
Bước 6: Sau khi chuẩn bị xong xuôi, bạn chỉ cần trồng cây trầu bà vào là được. Hãy tưới nước cho cây rồi đặt chậu cây ở nơi thoáng khí, ánh sáng nhẹ để cây từ từ thích nghi với môi trường mới.
Sau một thời gian, cây trầu bà sẽ bắt đầu phát triển ổn định, nhiều chồi mới và dây leo sẽ mọc ra. Lúc này, bạn hãy nhanh chóng dùng dây buộc cành vào cọc, vừa có thể giúp cây leo lên thuận lợi hơn, vừa tạo dáng cho cây.
Ngoài ra, bạn nên tưới nhiều nước vào cọc, lúc này chiếc khăn quấn trên cọc sẽ phát huy tác dụng của mình. Nó sẽ giúp rễ phía trên cây trầu bà phát triển, hút nước trong khăn, nhờ đó mà cây sẽ nhanh hơn, lá ngày càng to gấp 2-3 lần so với thông thường.
Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/quan-khan-vao-coc-roi-dat-giua-chau-trau-ba-cay-phat-trien...Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/quan-khan-vao-coc-roi-dat-giua-chau-trau-ba-cay-phat-trien-tuoi-tot-la-to-bang-ban-tay-c59a7710.html
Nhà - Vườn