Khi nói Khẩu nghiệp là có ý nói: Khẩu ác nghiệp. Khẩu ác nghiệp có 4 tội:
– Vọng ngữ (nói láo)
– Ỷ ngữ (nói thêu dệt)
– Lưỡng thiệt (đâm thọc)
– Ác khẩu (chửi rủa).
“Lời nói không thể thấy, không thể cầm nắm được, hình như không có tướng, thế mà tự xưa nay đã gây nên biết bao nụ cười và nước mắt. Có phản ứng tức có tác nhân. Nói đến nhân là nói tướng. Vậy tướng của lời nói là gì? Người nóng nảy thì hay nói lời xúc xiểm, người dối trá thì lời nói trơn tuột, chẳng thể bắt bẻ họ, nhưng cũng không thể hiểu tâm họ ra sao? Người thâm hiểm thì nói xúc phạm đến kẻ khác bằng giọng nói như hiền từ… tất cả ngôn ngữ này đều phát sinh từ một gốc, đó là Tâm; Và do đó tướng của ngôn ngữ là Tâm. Tâm Phật thì lời nói là pháp thiện, Tâm chúng sanh thì lời nói thành ác nghiệp. Tâm chúng sanh có muôn ngàn tướng thì lời nói cũng gây muôn ngàn nghiệp báo.
Nên quan sát ngôn ngữ của một người là quan sát tâm người ấy. Cách biểu lộ Tâm ở mỗi người mỗi khác, cho nên gọi mỗi người có một ngôn ngữ riêng cũng đúng. Con hãy hiểu họ theo Tâm, đừng chỉ nghe hời hợt bằng tai. Ðó là quan sát âm thanh.
Khi con “không thích lắm” một điều gì, con thường nói “rất ghét” điều ấy. Ở một người chín chắn hơn, họ sẽ nói “không chú ý lắm”. Nếu chỉ hiểu theo cái nghe của tai thì hai lời nói này là 2 sở thích khác nhau. Từ đó gây biết bao điều ngộ nhận.
Ðể quan sát được âm thanh như thật, con không thể dùng cái nghe của tai. Con hãy nghe bằng Tâm. Dùng Tâm mà hiểu tâm, mà tâm nào có thể hiểu tất cả các thứ tâm của chúng sanh? Ðó là tâm Phật. Con không thể thấy tất cả các tâm của người đối thoại, chắc chắn con không thể hiểu hết lời nói của họ. Cho nên chớ vội phản ứng theo cái nghe của riêng mình. Lời nói là Tâm, cho nên Tâm ác sinh lời nói ác. Dù được ẩn giấu, dù người không phát hiện, hay không phản ứng thì điều ác đã sinh, vẫn đem lại quả báo Ác cho con.
Câu nói dân gian “Khẩu xà tâm Phật” là sai hoàn toàn, Phật chẳng bao giờ nói lời độc ác, hại người, là tính cách các con dùng để tả Rắn. Ở mỗi người có cách nói thương khác nhau, có cách biểu hiện Từ Bi khác nhau. Như hạnh sai biệt của các Bồ Tát, thị hiện là Phán quan cũng xét xử công minh, khó có thể gọi là Ác tướng.
Chư Tổ mắng chửi đệ tử từ tâm không, để giáo hóa nhẫn hạnh hay khai ngộ Chân tánh, chẳng thể gọi là Ác khẩu. Nhưng người tự cho mình có Tâm lành, nên buông lời không kềm chế, mỗi lời nói gây hại cho kẻ khác không kể xiết, lại ngụy biện bằng câu “Khẩu xà Tâm Phật” thì khẩu nghiệp ấy thật khôn lường. Từ Tâm Phật thì lời ấy dù thế nào cũng mang lợi cho người nghe. Ngược lại, chỉ gây hại đó gọi là Ác khẩu. Và Tâm Ác sinh tướng Ác, sinh khẩu Ác, sinh nghiệp Ác, sinh Ác báo.
Con hãy cẩn thận lời nói. Lời nói là hơi thở từ miệng. Mà sống chết theo từng hơi thở ra vào, cho nên sống chết cũng theo từng lời nói mà đến đi.
Tôn giả Ma Ha Mục Kiền Liên là vị có thần thông đệ nhất. Nhưng Đức Thế Tôn đã nhiều lần cảnh cáo ông không được tùy tiện hiển hiện thần thông. Tại sao? Bởi vì không phải ai ai cũng có thần thông. Nếu quý vị hiện thần thông một cách bừa bãi, sẽ làm người thế tục kinh sợ, rồi khiến họ mê thích thần thông, sùng bái thần thông. Thế thì người có thần thông sẽ được cúng dường lớn, còn người không có thần thông chắc là chẳng ai muốn cúng dường. Bởi vậy Đức Phật mới không cho đệ tử tùy tiện hiện thần thông, với dụng ý là bảo hộ người tu hành đời sau này.
Người tu hành không nên tự khoe khoang về đức hạnh, như nói là mình đã khai ngộ, mình là Tổ Sư hay là Bồ Tát. Đó là đại vọng ngữ, tương lai chết đi sẽ đọa địa ngục bạt thiệt cắt lưỡi. Đây tuyệt hẳn không phải là những lời hí luận giỡn chơi. Chỉ những hạng người vô tri, vô thức mới có thứ hành vi tự mãn như thế. Ví như người nào đó thật sự giàu có, họ tuyệt đối sẽ không nói với người khác rằng: “Các anh có biết không? Tôi có bấy nhiêu hột xoàn, bấy nhiêu ngọc quý. Tất cả tài sản bảo vật của toàn thế giới, nếu so ra cũng không nhiều bằng của tôi đâu”. Nếu quý vị tuyên truyền như thế, tức làm mục tiêu cho bọn trộm cướp, chúng nhất định sẽ chú ý đến quý vị và tìm cách cướp đoạt châu báu đó.
Tu đạo cũng tương tự như thế, không nên nói với người khác rằng: “Tôi có thần thông. Tôi có thể nghe Phật và Bồ Tát nói chuyện. Tôi có thể thấy Phật, Bồ Tát hiện ra trước mặt”. Hoặc giả có như thế, tức là tạo cơ hội cho Ma Vương thừa dịp nhập vào hợp tác với quý vị, chỉ huy quý vị để làm quyến thuộc của nó. Bất luận gặp cảnh giới nào, người tu hành cũng nên nhận rõ cảnh giới, chớ để cảnh giới xoay chuyển và nên dùng định lực để chuyển cảnh giới. Không nên hồ đồ, nói năng bừa bãi là mình chứng được thần thông gì, thấy được cảnh giới gì. Quý vị nên hiểu đó là do ma tác quái, nó khiến quý vị mất đạo tâm mà phát cuồng. Đó chính là hiện tượng bị “tẩu hỏa nhập ma”, chứ không phải là cảnh giới thật. Trong kinh Lăng Nghiêm có nói rất rõ về năm mươi loại ấm ma.
Tôi hy vọng mọi người nên triệt để nghiên cứu thấu đáo để khỏi bị nhầm lẫn. Nếu không thì sau này có hối hận cũng không kịp. Người tham thiền không nên chấp vào cảnh giới, gọi là: “Phật đến thì chém Phật, ma đến thì chém ma”. Bất luận ai đến, mình cũng chém hết. Đó là không chấp tất cả các pháp hữu vi, không chấp tất cả các hình tướng. Người tu hành nên chuyên cần nhất tâm dụng công, nếu được vậy thì còn thời gian đâu để lo những chuyện tào lao. Hơn nữa cũng không nên cống cao ngã mạn, mà cũng đừng tham danh, tham lợi. Nếu như quý vị có thứ tư tưởng và hành vi như thế, tức quý vị bị rơi vào cảnh giới của ma rồi. Người tu hành dù ở trong hoàn cảnh nào cũng không nên tự mãn, không được kiêu ngạo, hoặc nghĩ mình là nổi bật, phi thường. Hãy cẩn thận, không nên sai lầm về nhân quả. Nếu không, chúng ta không tưởng tượng nổi hậu quả sẽ như thế nào.