Vừa mới “chân ướt chân ráo” bắt tay vào công việc đầu tiên, có thể bạn sẽ cảm thấy bỡ ngỡ và nhiều lo lắng dẫn đến việc phạm phải sai lầm. Tuy việc mắc lỗi là điều bình thường nhưng nếu biết phòng tránh thì bạn có thể ghi điểm nhiều hơn trong mắt đồng nghiệp và cấp trên. Dưới đây là 9 sai lầm mà mọi người thường gặp khi mới đi làm được chia sẻ bởi Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Careerlink.vn, một trong những trang web đáng tin cậy trong lĩnh vực hỗ trợ tuyển dụng và tìm việc trực tuyến tại Việt Nam, hãy cùng tham khảo để tạo dựng một hình ảnh chuyên nghiệp ngay từ đầu nhé!
Xem ngay những việc làm mới nhất tại careerlink.vn
Không đặt câu hỏi
Có thể bạn không muốn nói ra những câu hỏi của mình bởi rất nhiều lí do như sợ mọi người đánh giá bạn thiếu hiểu biết hoặc không muốn bị nhìn nhận như là một “tân binh” còn non trẻ kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên, ngay cả những người giỏi nhất, có kinh nghiệm tràn đầy cũng có nhiều điều thắc mắc, đó là dấu hiệu của một người tự tin, thích khám phá và ham học hỏi. Đưa ra nhiều câu hỏi hay không chỉ giúp bạn mở mang thêm kiến thức và kinh nghiệm mà còn giúp tiết kiệm thời gian và hoàn thành công việc với hiệu suất cao thay vì im ỉm giấu dốt để rồi phạm phải những sai lầm đáng tiếc.
Cho rằng đã hỏi quá nhiều
Ngược lại với việc không đặt câu hỏi, bạn đưa ra những thắc mắc của mình nhưng lại giới hạn chúng trong một không gian nhỏ hẹp. Bởi bạn có cảm giác mình đang làm phiền người khác khi đã hỏi quá nhiều. Nhưng bạn biết không, nếu những thắc mắc của bạn là điều chính đáng và cần thiết cho công việc thì sẽ không ai ngại hướng dẫn cho bạn đâu. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn làm phiền đồng nghiệp quá nhiều thì tốt nhất là nên hỏi họ nguồn tham khảo để bạn có thể tự tìm ra đáp án cho các thắc mắc của mình một cách triệt để.
Tỏ ra hiểu biết
Để chứng tỏ khả năng, bạn luôn tỏ ra hiểu biết ở nhiều lĩnh vực nhưng khi được giao nhiệm vụ liên quan thì lại không hoàn thành được mục tiêu đặt ra. Lúc này bạn mới thấy được sức mạnh của câu nói “Tôi không biết rõ!” thì đã muộn. Mạnh dạn thừa nhận điều mình không biết sẽ thể hiện cho cấp trên thấy rằng bạn là người trung thực và không mong đợi quá nhiều khi bạn không phải là chuyên gia trong công việc được giao.
Không “la lên” khi quá tải
Mặc dù đảm nhận nhiều nhiệm vụ là điều tốt để chứng minh năng lực, tuy nhiên sẽ có lúc bạn cảm thấy quá tải. Nếu âm thầm chịu đựng, bạn sẽ không hoàn thành công việc đúng thời hạn, đồng thời tinh thần sẽ trở nên căng thẳng hơn. Điều này hoàn toàn không tốt cho sự nghiệp và sức khỏe của bạn. Nếu bạn sợ nói không, hãy hỏi sếp về thứ tự ưu tiên của từng việc hoặc nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp hay thảo luận lại về khối lượng công việc đang đảm nhận. Sự chủ động này sẽ giúp cấp trên có sự điều chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng của công việc, đồng thời thể hiện bạn là người có trách nhiệm với công việc và tập thể.
Đánh giá thấp việc được giao
Có thể bạn sẽ không vui khi được phân công những nhiệm vụ nhỏ nhặt, không mang tính thách thức nhưng mọi việc đều có giá trị của riêng nó. Có một câu nói rằng “Không có việc gì là nhỏ, chỉ là bạn chưa nhìn thấy ý nghĩa của việc đó mà thôi!” hoặc “Việc nhỏ không làm, sao thành việc lớn”. Vì vậy, hãy nhìn vào bức tranh tổng thể để thấy được vai trò của bạn trong tập thể và cống hiến hết mình cho công việc.
Sử dụng điện thoại liên tục
Đừng bao giờ mang điện thoại của bạn vào phòng họp, trừ khi bạn đang chờ đợi một cuộc gọi kinh doanh quan trọng. Trong trường hợp đó, hãy để sếp biết bạn sắp có cuộc trò chuyện với khách hàng và có thể phải rời khỏi phòng.
Nếu có cuộc gọi về vấn đề cá nhân trong giờ làm việc, hãy nói ngắn gọn và nhanh nhất có thể. Một hai lần không phải việc lớn nhưng nếu điều đó diễn ra quá nhiều thì bạn sẽ trở thành “chuyên gia” và bị đưa vào “tầm ngắm”.
Che giấu lỗi lầm
Không ai nghĩ bạn là hoàn hảo cả, vì vậy nhà quản lý sẽ cảm thấy “dễ chịu” hơn nếu bạn chủ động thừa nhận sai lầm và có cách sửa đổi hơn là làm mọi cách để che giấu lỗi lầm hay đổ lỗi cho người khác. Một lời xin lỗi cần thể hiện 4 yếu tố chính: sự hối hận, nhận trách nhiệm, giải thích những gì đã học được và kế hoạch hành động để đền bù, sửa chữa.
“Ngâm” việc
Có thể khi còn ở trường đại học, việc bạn chỉ học bài khi sắp đến kỳ thi là điều bình thường bởi người ảnh hưởng chỉ là cá nhân bạn. Tuy nhiên, khi bạn đã làm việc chung với một tập thể, tất cả mọi người trong nhóm sẽ phải lãnh hậu quả nếu bạn làm mọi thứ chậm trễ, mà người có kết cục “thê thảm” nhất là chính bạn. Nếu lần đầu mắc phải, có thể bạn chỉ bị nhắc nhở nhưng nếu mức độ trở nên thường xuyên thì sẽ là các hình thức phạt, trừ lương và quan trọng là bạn sẽ bị cô lập bởi không đồng nghiệp nào “can đảm” hợp tác với bạn cả.
Chỉ kết thân với người cùng tuổi
Sẽ rất thoải mái khi được làm việc và trò chuyện với người cùng thế hệ, tuy nhiên việc dành thời gian cho các đồng nghiệp đáng tuổi cha chú trong nghề cũng mang đến cho bạn nhiều lợi ích. Họ không chỉ có thể hướng dẫn bạn trong công việc, truyền đạt cho bạn kinh nghiệm sống bổ ích mà còn giúp bạn thăng tiến nhanh hơn trong sự nghiệp. Có bao giờ bạn xem sự thận trọng, sâu sắc của họ là đức tính đáng học hỏi để giảm thiểu sai sót và hoàn thiện mình hơn không? Nếu có thì sự thành công sẽ đến với bạn nhanh thôi!