Trước bố Dũng, mẹ Dũng đã có một “tập”. Chồng cũ của mẹ sống rất tự do, có một nghề cầm tay rất chắc - làm thủ công mỹ nghệ. Nên cuộc đời của ông là những chuyến đi, được làm nghề mình thích. Và sống với điều mình thích: tự do. Ông là một người thợ rất tài hoa, vui tính, nên ông đến vùng nào người ta cũng đều quý và đặt hàng. Ông đi hết vùng này sang vùng khác, khắp cả dải đất miền Trung nắng lắm mưa nhiều.
Ảnh minh họa
Khi ông còn sống, Dũng thấy cứ khoảng ít tháng, ông lại về nhà Dũng. Ông uống rượu với bố Dũng, và hai người đàn ông thường ngồi ăn cơm mâm trên, nói những chuyện thân mật. Mẹ và các con ngồi ăn mâm dưới. Bố Dũng và ông được biết như hai người tri kỷ. Hai người đàn ông có thể đối ẩm, đánh cờ và nói những chuyện đời rất hợp. Sau này Dũng hỏi bố, trong câu chuyện của hai người, có bao giờ nói về mẹ Dũng không, bố trả lời “không". Bố bảo, cả hai người đàn ông đều hiểu một phụ nữ lấy hai người đàn ông, thì có gì để hai người đàn ông đó phải nói nữa? Vì nói gì bây giờ, ông thì hai, nhưng bà chỉ có một, có nói cũng có thành được hai bà đâu.
Bố Dũng làm mộc, khách đến đặt hàng nhiều. Khi khách thấy có một ông đan hàng thủ công mỹ nghệ trong nhà Dũng, họ cùng đặt hàng cho ông. Có thời điểm hàng nhiều, ông ở nhà Dũng rất lâu. Hai ông, người đục người đan, thỉnh thoảng cùng nhau hát. Cũng nghe nhiều lần bố Dũng tính làm mai cho ông vài cô trong vùng, nhưng ông không chịu. Ông nói, đời ông thích đi, lấy vợ làm gì cho vợ con khổ.
Ông đi khắp nơi. Mỗi vùng ông tá túc ít tuần, rồi lại hành trình khăn gói. Ông chọn nhà Dũng là điểm trở về. Mỗi lần về, ông mang rất nhiều đặc sản nơi ông đến để thết đãi cả nhà. Mẹ Dũng nhớ một chi tiết, trước khi sinh anh trai Dũng, ông đoán được ngày sinh, nên dù đang ở xa ông cũng tức tốc về. Ông mang theo một bao gạo to và một túi cá, vì ông biết thời đó nhà Dũng thiếu thốn lắm.
Ông nói với bố Dũng “Ướp muối chỗ cá này và để gạo trên cao kẻo mốc. Thằng này con ông nhưng là con tôi. Chăm sóc con tôi cho tốt”. Hai ông cười khà khà, chẳng gợn tí ghen tuông. Lần đó, ông đi rất vội, nhưng không lâu sau ông lại quay về. Khi Dũng lớn, có lần Dũng hỏi mẹ tại sao mẹ và ông lại tan vỡ. Mẹ đã khóc và nói, đó là nỗi ân hận của mẹ. Ngày đó, ông bị điên. Cả nhà đằng nội chiếm hết đất đai nhà cửa và đuổi mẹ đi, nên mẹ đành lòng dứt áo.
Khi ông khỏi bệnh đi tìm mẹ, thì mẹ đã có bố Dũng. Dũng cũng không biết lúc đó họ thế nào. Có những điều thuộc về người lớn, nằm trong quá khứ, con cái không nên lục lại.
Chỉ biết rằng, mẹ có nói với bố về những gì xảy ra. Chính bố là người muốn chồng cũ của mẹ về nhà Dũng chơi như một người thân. Họ đã vượt qua những trở ngại cuộc đời và tình đời, để hồn nhiên sống như những người bạn. Mà đã bạn thì phải tốt với nhau, và phải hiểu được những chân tình của nhau. Thế là từ đó, nhà Dũng có thêm một thành viên.
Đến giờ, Dũng cũng chưa thể lý giải được tại sao họ, những người mà học thức không cao, mà có thể xử sự được như thế. Có thể vượt qua được nhiều thứ, để sống trong trẻo đến như thế. Cả đời ông rong ruổi. Ông nói, cứ đi đi, chết thì có người đóng quan tài cho rồi (hàm ý là bố Dũng đóng), còn người đội khăn tang thì không cần thiết lắm, vì sống để thương là đủ, chứ sống không thương thì chết có khóc cũng đâu có nghĩa gì.
Rồi một ngày ông mất, ngay khi ông về lại quê ông. Mẹ Dũng là người phụ nữ đội khăn xô, trong cái đám tang vắng vẻ, lành lạnh ấy. Tiễn ông đi rồi, có một người đàn ông ngồi lặng lẽ một thời gian, rất lâu. Dũng hiểu sự im lặng ấy, sự im lặng của một người mất đi vĩnh viễn một người bạn tốt, một người tri kỷ. Và rồi thời gian trôi đi, bố Dũng cũng như ông, đi đến cái đích của hành trình định mệnh mà đời người ai cũng phải đi đến đó.
Hôm nay, Dũng ngồi viết những dòng này, cũng để nhớ một ngày mùa Thu mà một thành viên trong gia đình Dũng đã đi về với đất. Như một lời cảm ơn người đó đã tặng về một câu chuyện đời về cách sống, cách yêu thương, cách cho... và cả cách quên.