PV: Hiện nay, có một điều dường như các bạn trẻ tuổi vị thành niên mà các bậc làm cha làm mẹ thường hay gặp đó là ngủ nướng đến tận trưa, rồi khép mình trong phòng, không nói chuyện, bố mẹ hỏi hay gắt gỏng cãi lại. Đó là những dấu hiệu tâm lý bất thường hay chỉ là sự ẩm ương của tuổi này, thưa chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh?
Chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh: Trên thực tế, mình nghĩ bất thường và ẩm ương thì cũng không hẳn mà đơn giản, đó là sự kết nối bản thân ở độ tuổi này.
PV: Thưa chị Vera Hà Anh, đối với độ tuổi vị thành niên thì những biến đổi tâm lý như thế nào thì được coi là bình thường?
Chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh: Ví dụ, trẻ thích ở trong phòng là trạng thái bình thường, bởi vì trong phòng trẻ cũng có thể khám phá được nhiều thứ xung quanh. Ngoài ra, việc gắt gỏng, hay biểu hiện thích chứng tỏ bản thân như: ăn mặc thay đổi, cách nói chuyện cũng có thể thay đổi đều được coi là bình thường. Đó chính là lúc trẻ đang cố gắng kết nối với bản thân mọi thứ thay đổi để làm sao cho mọi người hiểu chúng trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh |
PV: Vậy còn những biến đổi tâm lý bất thường của tuổi này chúng ta làm cách nào để nhận biết được những giới hạn giữa bình thường và không bình thường, thưa chuyên gia?
Chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh: Nếu trẻ có biểu hiện giống như trên vừa kể thì là bình thường.
Còn những biểu hiện bất thường như là đi chơi trong 1 thời gian dài, ở trong phòng quá lâu, không giao tiếp, ko trò chuyện và cáu gắt ở mức độ xung đột hoặc giao du với các bạn xăm trổ nhiều…Khi đó con mình có thể bị nghiện, hoặc nghiện chơi game suốt ngày không ăn uống, bị gầy đi. Ngoài ra, trẻ thường hay đánh nhau kết băng đảng, đó cũng là một trong những biểu hiện hơi quá đà.
Hoặc tình cảm trong giai đoạn này cũng thay đổi do trẻ nghĩ mình đã trưởng thành. Từ đó, đối với các bạn nam có hiện tượng mộng tinh, cơ thể thay đổi và xuất tinh ra ngoài. Còn đối với nữ giới thì có biểu hiện ngực to và xuất hiện kinh nguyệt. Trẻ cứ nghĩ mình lớn rồi nhưng thực ra chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu thôi.
Giai đoạn này làm cho trẻ quá đà, làm cho trẻ nghĩ mình đang lớn mà thực ra ở giai đoạn bấp bênh, lo lắng nhiều. Vì vậy, giai đoạn này, trẻ rất cần sự quan tâm của người lớn.
Ảnh minh họa |
PV: Nói đến các biểu hiện bệnh lý của khủng hoảng tuổi vị thành niên làm tôi nghĩ tới những vụ tự tử thường hay xảy ra và tôi nhận thấy có khá nhiều bạn trẻ ở độ tuổi vị thành niên là nạn nhân của khủng hoảng tuổi vị thành niên, vậy khi nào thì các em cần đến gặp chuyên gia tâm lý?
Chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh: Trẻ cần phải đến gặp chuyên gia khi ở tình trạng là không giao tiếp, hỏi cái gì không nói, đang trong vấn đề khủng hoảng.
Theo tôi, những người làm cha làm mẹ nên quan tâm trẻ ở mức độ chừng mực, không nên quan tâm và đào sâu quá tâm lý của trẻ. Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên hời hợt quá đối với con thì chúng ta có thể hoàn toàn nhận biết được sự thay đổi của con.
Tôi nghĩ rằng, vào cái giai đoạn này, người lớn chúng ta mới để ý đến con thì quá muộn mà phải có sự chuẩn bị tâm sinh lý của con ở thời gian trước đó. Chúng ta cần phải giải thích cho con về vấn đề kinh nguyệt, xuất tinh, vấn đề tâm sinh lý hay vấn đề tình cảm ở giai đoạn trước đó để các con chuẩn bị tâm lý. Thế nhưng ở Việt Nam, chúng ta có khi bò mất rồi mà vẫn chưa nghĩ việc làm chuồng. Con ở giai đoạn này xảy ra vấn đề này là do trước đó chưa có kiến thức. Bên cạnh đó, chúng ta hơi bị thiếu sự giáo dục vấn đề này cho thanh thiếu niên, cho vị thành niên ngay trong nhà trường.
Ở nước ngoài người ta chia sẻ vấn đề này rất thoải mái, đơn giản. Thậm chí, người ta đưa vào môn khoa học, kiến thức sống nhưng ở Việt Nam thì thiếu yếu tố đó.
PV: Phương pháp giáo dục sai lầm của cha mẹ, có phải là điều khiến tuổi vị thành niên sa ngã lầm đường lạc lối hay không, bởi tôi thấy có nhiều gia đình rất hà khắc nghiêm trị với con cái nhưng chúng vẫn hư hỏng, hay có gia đình chiều con quá rồi con sa ngã lúc nào không hay. Vậy, cha mẹ đóng vai trò gì ở lứa tuổi này, thưa chuyên gia?
Chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh: Trong giai đoạn này, trẻ thật sự cần một người bạn để lắng nghe chia sẻ của chúng. Nhưng trên thực tế, các bậc phụ huynh gần như mất kết nối, giao tiếp với con mình rất nhiều về khả năng nói chuyện, đặc biệt là cách bắt chuyện với trẻ và giao tiếp. Hơn thế nữa, suy nghĩ của bố mẹ thì áp đặt cho nên rất khó làm bạn với con trong giai đoạn này.
Trong khi đó, thời gian này trẻ rất cần sự kết nối bản thân, mong muốn nhu cầu bản thân rất nhiều ở bậc phụ huynh chúng ta. Hiện nay, trong xã hội chúng ta đang thiếu yếu tố này vô cùng.
PV: Có một thực tế, hầu hết trẻ ở độ tuổi mới lớn đều có thể gặp rắc rối trong chuyện tình cảm khác giới. Lúc này, cha mẹ nên làm gì đối với con?
Chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh : Để làm bạn với con thì cha mẹ cần chú ý, quan tâm đến con hơn nhưng cũng đừng thể hiện quan tâm quá, thắt chặt quá khiến con không dám hay tự tin chia sẻ.
Ví dụ hôm qua tôi làm chương trình trong TPHCM, có một phụ huynh chia sẻ, cháu học lớp 11, rất xinh, cô giáo gọi điện về cho phụ huynh là con gái đang có vấn đề về tình cảm với 1 bạn trai ở trường, chị về thử nói chuyện với con xem như thế nào. Khi đó, người mẹ tỏ ra chút bối rối và có chút thất vọng và đã gọi điện đến chương trình để được tư vấn.
Tôi nghĩ nó là chuyện bình thường, mẹ chỉ đứng trong vai trò đặt câu hỏi cho con thôi nhưng hãy chấp nhận tất cả những thứ mà đến với con, đó là một trải nghiệm dành cho con, không nên nặng nề quá.
Còn nếu như con có sẵn sàng yêu thì hãy nói cho con biết, cảm xúc như thế nào. Hãy học cách làm bạn và cho con những kiến thức khi yêu như thế nào, tâm sinh lý như thế nào của người phụ nữ? Chúng cần phải giải thích để cho chúng được thoải mái. Và hãy nói với con rằng, con cần phải chịu trách nhiệm những điều con làm và rút ra bài học từ những sự việc đó.
PV: Theo chuyên gia, những yếu tố nào có thể khiến các em tuổi mới lớn dễ có những hành động liều lĩnh khi gặp bất kỳ một sự việc nào đó xảy ra?
Chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh : Theo tôi, có rất nhiều yếu tố dẫn đến những hành động không đúng của các bạn trẻ ở tuổi mới lớn. Ví dụ như: Cha mẹ không hạnh phúc, bố mẹ đánh nhau, bố mẹ ly hôn hoặc ly thân… Đây cũng là 1 trong những yếu tố bị khủng hoảng, có nhiều trẻ dẫn đến trầm cảm trong giai đoạn này.
Mong muốn tự thực vì chúng không giải thoát được, bởi sự mất cân bằng giữa bên trong và bên ngoài. Ở bên trong tâm lý cũng thay đổi và cơ thể bên ngoài cũng thay đổi. Đây thực sự giống như một cuộc chiến của trẻ cả trong và ngoài rất lớn. Trong khi đó, tác động bởi yếu tố bên ngoài môi trường nữa làm cho trẻ gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, người ta nói rằng, cha mẹ đúng là người thầy vĩ đại của con, mà trong giai đoạn này cha mẹ có vấn đề như đánh nhau, chửi nhau, ly hôn thì cũng tác động đến tâm sinh lý của trẻ cũng rất nặng nề.
Bên cạnh đó, sự công nhận của cha mẹ là cực kỳ quan trọng trong giai đoạn này của trẻ. Chúng làm mọi thứ cũng để cha mẹ công nhận công sức của mình, hành động của mình, chúng phải cảm được tình yêu của cha mẹ dành cho mình. Chúng phải cảm nhận được dù có chuyện gì xảy ra thì vẫn có cha mẹ ở bên thì trẻ sẽ dễ dàng vượt qua giai đoạn khủng hoảng này nhanh hơn.
Xin cảm ơn chuyên gia Vera Hà Anh đã dành thời gian chia sẻ với độc giả của stylenews!