Người phụ nữ chung thủy hết lòng hết dạ vì chồng này chính là chị Phạm Thị Thụy, 29 tuổi. Và người chồng mang căn bệnh ung thư thận giai đoạn cuối được nhắc tới ở trên chính là anh Hoàng Minh Đồng, 29 tuổi. Hiện vợ chồng chị đang sống cùng con gái nhỏ hơn 3 tuổi tại nhà trọ số 36A, phòng 3, đường số 10, khu phố 3, Phường Linh Xuân, Q.Thủ Đức, Tp. HCM.
Gia đình nhỏ nhà vợ chồng Thụy - Đồng.
Kiên quyết cưới người bạn trai đã bị viện trả về để “lo hậu sự”
Ngay từ nhỏ, Thụy và Đồng đã là bạn học cùng lớp với nhau suốt từ năm lớp 1 đến lớp 12. Cả hai cũng cùng quê Thanh Hóa. Thế nhưng ngày còn đi học, đôi bạn chỉ chơi với nhau như bạn bè cùng lớp mà chưa hề nảy sinh tình cảm gì.
Học hết lớp 12 (năm 2004), cả hai đều dự thi đại học. Nhưng Thụy thi không đỗ đại học nên vào Thủ Đức học nghề và làm may. Còn Đồng thi đỗ một trường công nghệ song phải xin bảo lưu kết quả vì gia cảnh nhà Đồng khá khó khăn.
Nhà Đồng chỉ có mẹ già và anh trai Đồng đang đi học nên mẹ anh không thể một lúc nuôi 2 người con trai ăn học. Do đó, ngay năm ấy Đồng phải vào Sài Gòn và ở quận 12 để làm đá hoa cương kiếm tiền nuôi anh trai học. Một năm tại đây, dù Thụy và Đồng mỗi người ở một nơi khác nhau nhưng không hẹn mà gặp, đôi bạn cùng lớp cùng quê thuở nào đã tình cờ gặp lại nhau ở Thủ Đức. Cùng cảnh xa nhà, lại là bạn bè từ trước nên sau cuộc gặp tình cờ này, họ thường xuyên hẹn gặp riêng. Tình cảm của họ cũng phát triển thêm 1 bậc giai đoạn này nhưng chưa hoàn toàn là tình yêu.
1 năm sau ngày vào quận 2 làm, Đồng tiếp tục quay trở ra Hà Nội để học tiếp. Lúc này, đôi bạn trẻ chủ yếu liên lạc qua những cánh thư, những tin nhắn. Nhưng khi đang học năm thứ 2 thì một ngày Đồng nhận được tin sốc. Anh mắc bệnh viêm cầu thận, hội chứng hư thận giai đoạn cuối.
Thụy buồn buồn nhớ lại: “Theo như anh kể thì đang học anh cứ có cảm giác như bị sổ mũi, đau cổ, gân cổ sưng hết lên và có dấu hiệu viêm họng. Đặc biệt, bụng anh sưng to. Anh hốt hoảng đi bệnh viện khám thì đã được kết luận bị viêm cầu thận hay còn gọi là hội chứng hư thận giai đoạn cuối”.
Thời điểm ấy, mẹ Đồng phải vay mượn khắp nơi để có tiền cho anh nằm viện điều trị. Nhưng do bệnh đã không còn chữa được nên cả người anh phù. Đến nỗi Đồng mặc quần áo bệnh viện không vừa, không ăn uống được. Cộng với bị dịch tràn màng phổi nên bệnh của anh không còn hi vọng sống. Chính bởi thế sau chuỗi ngày điều trị không thành công, bệnh viện đã quyết trả anh về gia đình để lo hậu sự.
Thời điểm Đồng bị bệnh viện trả về nhà gần sát với thời điểm sắp Tết Nguyên Đán 2010. Trời lạnh nên bệnh càng tiến triểu xấu đi. Đồng và những người thân trong gia đình đều xác định đây là cái Tết cuối cùng của anh ăn với gia đình. Nhưng dường như trời vẫn còn thương người thanh niên này. Tết xong, bệnh của Đồng lại có dấu hiệu chuyển biến khá hơn.
“Thời gian ấy, vì bệnh chuyển biến tốt hơn nên dù mang bệnh ung thư nhưng hàng ngày ở nhà anh vẫn phụ mẹ làm ruộng. Cho đến cuối năm 2010, bệnh lại có dấu hiệu xấu nên anh muốn đi vào Sài Gòn để gặp mình và các bạn bè lần cuối trước khi phải rời xa cõi đời” - Thụy nhớ lại.
Những ngày Đồng vào Sài Gòn để gặp mặt Thụy lần cuối, Thụy vừa cảm động lại vừa thương người bạn cùng lớp, cùng quê của mình. Vào Sài Gòn, do khí hậu ấm áp hơn nên bệnh của Đồng lại có tín hiệu tốt. Khi sức khỏe tốt lên, Đồng quyết định ở đây làm đá hoa cương để có tiền tự điều trị bệnh ngày nào hay ngày ấy để không cần phải xin mẹ già. Khi ấy, ngoài những lúc đi viện hay bệnh tái phát, anh làm cũng được khoảng 2-3 triệu/tháng.
Chị Thụy và con gái nhỏ.
Thấy bạn trai bị bạo bệnh mà vẫn có nghị lực và chăm chỉ làm lụng, Thụy càng thương và cảm phục Đồng hơn gấp bội. Vì thế, năm 2011, Thụy quyết định làm đám cưới với người bạn trai cùng lớp này.
“Khi quyết định như vậy, mình cũng xác định, yêu và cưới một người như vậy, đời mình sẽ khổ. Nhưng mình thương anh lắm, thấy anh vất vả, côi cút đối mặt với bệnh tật ở nơi xa gia đình chỉ có một mình này, mình không sao yên tâm về anh được. Bởi thế mình cũng nghĩ, cái gì cũng có số của nó. Nếu số mình sướng thì lấy anh ốm đau bệnh tật trời cho anh khỏi bệnh thì mình cũng sẽ sướng. Còn nếu số mình đã khổ thì có lấy người khác cũng sẽ khổ. Lấy anh, biết đâu có mình bên cạnh mà bệnh tình anh sẽ thuyên giảm đi” - Thụy nói.
Khi thấy con gái quyết định lấy người bị ung thư sắp chết, cả nhà Thụy vì thương con gái nên cũng ngăn cản nhiều lắm. Song là người tôn trọng con cái, lại cũng biết Đồng hiền lành, thành thật, chăm chỉ từ trước nên bố mẹ Thụy chỉ bảo: “Lấy nó, khổ thì phải ráng chịu, không được hối hận”. Trong nhà, chỉ có chị gái Thụy là phản đối ra mặt. Nhưng trước sự kiên quyết của Thụy, đám cưới đơn giản và hạnh phúc của vợ chồng trẻ Thụy - Đồng vẫn được diễn ra.
4 năm hôn nhân đầy vất vả của người vợ nghèo nuôi chồng ung thư
Tính đến thời điểm này, cuộc sống hôn nhân của vợ chồng Thụy và Đồng đã bước sang năm thứ 4. Ban đầu khi xác định lấy Đồng, Thụy cũng xác định hai người sẽ không bao giờ có thể có con. Song dường như ông trời vẫn thương người phụ nữ này khi chỉ sau 4 tháng đám cưới, họ đã bất ngờ có tin vui bầu bí.
Ngày biết tin có bầu, cả Thụy và Đồng đều bất ngờ và ôm nhau khóc vì hạnh phúc. Biết mình đã có con, nên Đồng luôn cố gắng chữa bệnh và lúc bệnh không tái phát thì anh cố đi làm để phụ thêm cho vợ. Còn Thụy, từ khi có con gái, Thụy vất vả hơn vì có quá nhiều gánh nặng song cô vẫn hết lòng chăm chồng để con được có bố lâu như nhiều đứa trẻ khác.
Thương vợ vất vả cặm cụi may tới tận 1-2 giờ sáng nên Đồng cũng phụ vợ chăm con, làm việc nhà, nhặt chỉ, đếm hàng giúp vợ lúc khỏe mạnh
Ngày qua ngày, sức khỏe của Đồng vẫn không khá hơn vì diễn biến bệnh không lường trước được. Cứ 3 tháng, Thụy lại đưa Đồng đi khám tái một lần ở viện 115. Nếu đợt nào bệnh diễn biến không tốt thì Đồng phải nằm lại viện điều trị. Còn đợt nào bệnh tình khá hơn, vợ chồng lại mua đơn thuốc về uống.
Nói về bệnh tình của chồng, người phụ nữ này nghẹn ngào: “Mùa này còn đỡ, chứ vào mùa lạnh nào, bệnh tình của anh cũng bị phát lại. Khi ấy cứ tự nhiên anh lại sưng cổ, phù hết người, đi tiểu không được, khó thở. Những lúc như vậy, anh phải nghỉ làm. Các bác sĩ cũng khuyên anh không được làm nặng. Song những lúc bệnh đỡ hơn anh vẫn phải làm đá hoa cương nặng nhọc để phụ vợ tiền thuốc. Chỉ khi bệnh quá, anh mới chịu ở nhà nằm nghỉ. Nhiều lúc thấy chồng phải vất vả như vậy, mình thương anh mà không biết phải làm sao. Anh cũng muốn làm việc nhẹ hơn nhưng không ai mướn, khó kiếm việc”.
Mỗi tháng, tiền thuốc theo đơn của anh Đồng cũng mất khoảng hơn 2 triệu.
Đặc biệt, cứ thời điểm 6 tháng đầu năm, năm nào bệnh của Đồng cũng tái phát. Vì thế, anh không túc tắc đi làm được. Mọi khoản chi tiêu đều trông chờ hết vào lương công nhân may “còm” của Thụy. Vì thế, nhà Thụy lúc nào cũng chật vật. Trong khi lương công nhân may của bà mẹ 1 con này cũng chỉ được khoảng 4 triệu/tháng mà bao khoản trông chờ như: Tiền phòng trọ (1,2 triệu), tiền gửi bé (1,5 triệu), tiền thuốc cho Đồng (hơn 2 triệu/tháng), tiền điện nước, ăn uống… Vì vậy, hầu như tháng nào người vợ này cũng trong tình trạng giật gấu vá vai, lúc vay chỗ nọ, lúc đập chỗ kia. Hai bên nhà nội ngoại cũng không giúp được vợ chồng vì cũng quá nghèo.
4 năm lấy chồng và sống trọ ở quận Thủ Đức, vì kinh tế chật vật nên người vợ này mới chỉ được đúng 1 lần về thăm nhà nội và nhà ngoại ở Thanh Hóa. Theo Thụy kể thì phần vì không có tiền để về quê, phần vì ra bắc thời tiết thường lạnh hơn trong Nam nên không tốt cho sức khỏe của chồng.
Để có thêm 500 ngàn đồng mỗi tháng, chị Thụy vẫn cặm cụi may tới 1-2 giờ sáng.
Mới đây, nhờ vay mượn bạn bè, Thụy cũng đã cố mua được chiếc máy may công nghiệp để buổi tối có thể nhận hàng làm thêm ở nhà. Được cái, dù bệnh tật như thế nhưng thương vợ vất vả cặm cụi may tới tận 1-2 giờ sáng nên Đồng cũng phụ vợ chăm con, nhặt chỉ, đếm hàng giúp vợ. Thế nhưng, tiền làm thêm này mỗi tháng cũng không được bao nhiêu, chỉ được khoảng 500 ngàn đồng. Song để có thêm tiền mua thuốc cho chồng và chi tiêu sinh hoạt, người vợ này vẫn chăm chỉ làm để kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy.
Khi hỏi Thùy có mệt mỏi và hối hận khi quyết cưới người chồng bị bệnh ung thư không, Thùy không kìm nổi nước mắt: “Thật sự nhiều lúc bao gánh nặng đè lên vai khiến mình thấy rất mệt mỏi và muốn ngã quỵ. Song mệt mỏi là vậy nhưng trước mặt chồng mình lại không dám khóc. Bởi khi lấy anh, mình đã biết trước cuộc sống của mình sẽ là như vậy. Vì thế, mình luôn tự nhủ phải cố gắng, phải cứng rắn để chồng không phải suy nghĩ và có thêm động lực chống chọi, chiến đấu với bệnh tật của mình để sống với mẹ con mình lâu hơn nữa”.
Mong ước lớn nhất của chị Thụy và chồng ít tái phát bệnh và con khỏe mạnh.
Hiện, mong ước lớn nhất của người vợ chịu thương chịu khó 29 tuổi này là: “Mình luôn cầu trời khấn phật cho sức khỏe của chồng khá hơn, ít tái phát. Được như vậy, dù khổ cực, vất vả đến mấy mình cũng sẽ vượt qua được. Mình cũng mong con gái khỏe mạnh, đừng ốm đau. Và hiện nay mình rất mong có thêm nhiều mối hàng để có việc làm thêm mỗi đêm kiếm thêm thu nhập lo liệu tiền thuốc cho chồng và sinh hoạt của cả nhà mỗi tháng”.
Có thể bạn quan tâm: