Tự tay chuẩn bị cơm trưa cho con nhưng thời tiết nắng nóng, những miếng giò của một người mẹ quê ở Nam Định đã bốc mùi thiu. Cầm hộp cơm, chị không tiếc công mình làm chỉ lo nỗi “Trưa nay con không được ăn cơm mẹ nấu để lấy sức chiều thi mà phải cơm hàng cháo chợ rồi…”.
Miếng giò thiu của mẹChuyện ăn uống, ngủ nghỉ... trong những ngày các sĩ tử “tham chiến” là nỗi lo lắng của không ít ông bố bà mẹ. Do nhà xa, nhiều phụ huynh đã phải chọn lựa các hàng cơm cạnh điểm thi để ăn trưa.
Từ sáng sớm khi con vào phòng thi anh Hữu (Nam Định) đã “làm một vòng” quanh khu ĐH Bách khoa, Kinh tế, Xây dựng (Hà Nội) để chọn quán cơm cho con.
Anh nói: “Hôm qua ăn thử ở một quán, tôi gọi suất 15 nghìn nhưng phải cho con ăn suất 25 nghìn để lấy sức thi. Tôi gọi thêm cho nó chai nước ngọt, nó nhất định phải chia đôi cho bố một nửa. Có chai nước ngọt mà 2 bố con cứ đùn đẩy nhau. Đấy, nó căng thẳng thi cử mà vẫn biết nghĩ cho bố”. Không ít phụ huynh lại chọn giải pháp mang cơm đi để vừa tiết kiệm lại đảm bảo vệ sinh, hợp khẩu vị của con.
Tại điểm thi ở ĐH Bách khoa, chị Hà (quê Nam Định) kể: “Có nhà người quen ở đây nhưng xa quá nên trưa hai mẹ con sẽ ở lại trường để chiều thi luôn. Con gái tôi kén ăn lắm, sáng mẹ phải dậy luộc thịt, nấu canh cho vào cặp lồng chuẩn bị bữa trưa. Sợ con đói, lúc ở quê tôi còn làm thêm giò mang lên đây cho con ăn thêm”.
Khi những phụ huynh xung quanh nhắc nhở “nắng nóng sợ giò thiu”, chị hoảng hốt mở cặp lồng ra soi từng miếng giò. Chị nói như mếu: “Thiu mất rồi, hỏng mất cả bữa trưa của nó…”.
Anh Đỗ Văn Long (P.Văn Miếu, TP Nam Định) chia sẻ: “Đưa con đi thi mà vất vả trăm bề”.
Nhà anh 12 năm thuộc diện hộ nghèo của TP Nam Định. Vợ anh là công nhân may, anh là lao động tự do công việc không ổn định. gia đình anh có cha già bại liệt nằm một chỗ và một người mẹ không còn sức lao động.
“Nhà tôi là căn phòng 16m2 ở khu tập thể, để 4 cái xe đạp là hết nửa nhà. Năm 2013, bố tôi sau nhiều năm bại liệt cũng ra đi. 50 ngày sau vợ tôi tai nạn xe máy, 50 ngày sau đó nữa mẹ tôi cũng bỏ gia đình con cái mà mất. Chỉ trong mấy tháng liên tục gia đình lao đao” , anh chia sẻ.
Năm nay đưa con đầu đi thi, 2 bố con đi xe máy để tiết kiệm tiền xe khách. Mọi thứ từ thức ăn, nước uống, xà phòng… anh cũng đều chuẩn bị từ nhà vì “Lên Hà Nội đắt lắm, cốc trà đá ở đây (điểm thi ĐH Bách Khoa) cũng đã 5 nghìn”.
“Tôi có nhà người quen ở HN nhưng họ cũng là dân lao động thuê phòng trọ ở rất chật chội. Muốn có chỗ ở cho con thoải mái thi, 2 bố con thuê phòng 250 nghìn/ngày, mất 6 ngày như thế này. Trước khi thi vợ tôi cũng chạy vạy vài chỗ vay mượn thêm vài ba triệu dắt túi cho chồng đưa con đi”.
Nhưng trong câu chuyện của anh không một chút bi quan, anh cười: “Đời tôi thế lại sướng vì có 2 đứa con vừa ngoan vừa chăm”. Cũng như các ông bố đang chờ con dưới cái nắng khủng khiếp, anh say sưa kể về con như thể “đã đỗ ĐH rồi”.
"Thằng con tôi có năm chỉ được học sinh tiên tiến nó về nhà ôm mặt òa khóc. Có lần nó đi học quên mang chìa khóa lúc về đợi bố mở cửa thì nó ngồi luôn ngoài hè lấy sách vở ra học. Tôi về nhìn thấy thế mà thương con cháy lòng”.
Con chở mẹ “vượt vũ môn”Bố, mẹ đèo con đến điểm thi không phải là hình ảnh lạ nhưng với chị T. (Mai Động, Hà Nội) thì con lại phải chở mẹ đến điểm thi. Vừa trải qua cuộc phẫu thuận gan chưa lâu chị đã phải gượng dậy để làm việc nhà, hỗ trợ cho cậu quý tử ôn thi. Ngày thi, chị vẫn kiên quyết đi cùng con. Từ sáng sớm, con trai đèo mẹ đến rồi vào trường thi.
Chị T. (Mai Động, Hà Nội) vừa trải qua một cuộc phẫu thuật vẫn theo con đến điểm thi.
Người mẹ ngồi ngoài hè chờ con nói: “Vết mổ vẫn còn đau, hôm qua tôi cử động mạnh chỗ khâu đã lên da non bỗng chảy máu ra”. Ngồi lâu vết mổ đau, chị xin được tấm các-tông của các sinh viên tình nguyện trải ra giữa lề rồi nằm xuống. “Thỉnh thoảng nằm tí cho đỡ đau”, chị nói.
Nhiều người khuyên chị ở nhà nghỉ ngơi, nhưng chị không yên tâm để con đi thi một mình.
Chị Hồng (Nghĩa Hưng, Nam Định) cũng đưa con đi thi trong tâm trạng thấp thỏm. “Bà ngoại ở nhà đang hấp hối, mấy hôm nay bà không ăn được gì. Cả nhà cũng chuẩn bị tâm lý để "bà đi". Lúc đầu tôi bảo với con trai “Bà không biết mất lúc nào, con tự đi được không?”. Cháu gật đầu nhưng tôi không yên tâm khi để con một mình lên Hà Nội nên đành phải theo con”.
Chị cho biết thêm: “Bà cũng thương cháu lắm, bà dặn người nhà nếu bà mất cũng không được báo tin lên cho hai mẹ con để cháu nó vững tâm mà thi”.
Chị ngồi chờ con nhưng tâm trạng cũng không yên. “Cứ thấy điện thoại là giật mình, sợ nhất là ở quê gọi lên báo tin xấu của bà. Chỉ mong con biết thương bà, thương mẹ mà bình tĩnh làm bài cho tốt”, người mẹ nói.
Và tôi thấy mắt chị rơm rớm nước…