Người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ
Nữ phi hành gia Valentina Tereshkova là một trong ba phụ nữ Nga từng bay vào vũ trụ. Ảnh: historyofrussia.org. |
Người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ trong lịch sử là Valentina Tereshkova, một nhà du hành vũ trụ của Liên Xô lúc bấy giờ. Ngày 16/6/1963, phi thuyền Vostok- 6 cùng Tereshkova rời Trái Đất và bay quanh quỹ đạo trong ba ngày.
Sergey Korolyov, giám đốc thiết kế tàu vũ trụ của Liên Xô, đưa ra ý tưởng tuyển dụng phi hành gia nữ và dự định đưa hai người trong sứ mệnh Vostok-5 và Vostok-6. Tuy nhiên, kế hoạch thay đổi với việc đưa một phi hành gia nam theo tàu Vostok-5. Người được lựa chọn sau đó là Tereshkova.
Sally Ride trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ trong sứ mệnh tàu con thoi STS-7 ngày 18/6/1983.
Người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ
Chưa đầy một tháng sau khi Yuri Gagarin bay vào vũ trụ và mở đầu cho kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của nhân loại, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa phi hành gia Alan Shephard thực hiện sứ mệnh tương tự vào ngày 5/5/1961. Alan Shephard hoàn thành nhiệm vụ cùng con tàu Freedom 7.
Cùng Freedom 7, Shephard thực hiện chuyến bay chỉ kéo dài 15 phút. Phi thuyền đưa ông lên độ cao 185 km trước khi rơi xuống Đại Tây Dương, cách căn cứ phóng ở Cape Canaveral, bang Florida, khoảng 480 km.
Tàu con thoi
Tàu con thoi Atlantis "đã nghỉ hưu" rời Trung tâm Vũ trụ Kenedy ở Cape Canaveral năm 2012. Ảnh: Reuters |
Mỹ phóng tàu vũ trụ có thể tái sử dụng đầu tiên, hay tàu con thoi, ngày 12/4/1981, đúng 20 năm sau chuyến bay của Gagarin. Con tàu có khả năng mang tải trọng khác nhau đến quỹ đạo thấp của Trái Đất, vận chuyển các phi hành đoàn, sửa chữa vệ tinh hay cung cấp hàng hóa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Mỗi tàu con thoi có thể thực hiện 100 lần phóng hay hoạt động trong khoảng 10 năm.
Ngày 15/11/1988, Liên Xô phóng loại tàu vũ trụ có thể tái sử dụng đầu tiên, hay tàu con thoi không người Buran.
Tàu Soyuz
Soyuz là loạt tàu vũ trụ được thiết kế cho chương trình không gian của Liên Xô từ những năm 1960 và vẫn hoạt động cho đến nay. Tàu được phóng từ một tên lửa Soyuz, phương tiện phóng được sử dụng thường xuyên nhất và đáng tin cậy nhất trên thế giới hiện nay, từ căn cứ Baikonur ở Kazakhstan.
Tàu vũ tụ được dùng để vận chuyển phi hành gia lên ISS và trở về Trái Đất.
Trạm Vũ trụ Quốc tế
Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) nhìn từ tàu con thoi Endeavour. Ảnh: Reuters |
ISS là thành phần đầu tiên của vệ tinh nhân tạo có thể sinh sống được đặt trong quỹ đạo thấp của Trái Đất. Nó được phóng đi từ năm 1998 và hiện là cấu trúc nhân tạo lớn nhất trong quỹ đạo. ISS là một phòng thí nghiệm trong môi trường không gian, cho phép con người thực hiện các thí nghiệm sinh học, vật lý, thiên văn học và nhiều lĩnh vực khác, cũng như kiểm tra thiết bị tàu vũ trụ cho sứ mệnh lên Mặt Trăng và sao Hỏa.
ISS là tàu vũ trụ thứ 9 có thể sống được, sau Salyut, Almaz và Mir của Liên Xô và sau này là Nga, hay Skylab của Mỹ. Trạm vũ trụ có người ở liên tiếp 14 năm, kể từ hành trình của Expedition 1 tháng 1/2000.
Trạm vũ trụ đầu tiên
Liên Xô đi đầu trong cuộc đua xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên có tên Salyut1, được phóng đi ngày 19/4/1971. Trạm có dạng nguyên khối và được một phi hành đoàn điều khiển. Nó có chiều dài 20 m và đường kính 4 m.
Chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên
Alexey Leonov trở thành người đầu tiên thực hiện bước đi bộ ngoài không gian ngày 18/3/1965. Ông rời tàu vũ trụ Voshhod 2 trong 12 phút và được kết nối bằng dây an toàn dài 5,35 m.
Cuối hành trình, trang phục của Leonov phồng lên khiến việc trở lại khoang tàu gần như không thể. Ông buộc phải giải phóng áp lực khí trong bộ đồ, ép người chui qua cánh cửa chỉ rộng một mét. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Leonov đã trải qua khóa huấn luyện kéo dài 18 tháng.
Đặt chân lên Mặt Trăng
Ngày 20/7/1969, tàu vũ trụ Apollo 11 rời địa cầu để thực hiện cuộc đổ bộ Mặt Trăng đầu tiên của con người. Hành trình khám phá của Neil Armstrong và Buzz Aldrin được coi là một trong những sứ mệnh lịch sử vĩ đại của thế giới.
Là người đầu tiên đặt chân lên một thiên thể ngoài không gian, phi hành gia Neil Armstrong từng có câu nói nổi tiếng: "Đây là bước chân nhỏ của một con người, nhưng là bước nhảy vọt của nhân loại".
Armstrong cùng Aldrin ở trên bề mặt Mặt Trăng khoảng hai tiếng rưỡi, thu thập các mẫu vật và chụp ảnh trước khi trở về Trái Đất.
Trước khi quay trở về Trái Đất, Armstrong cùng Aldrin đã ghi lại bằng chứng đánh dấu sự hiện diện của con người trên Mặt Trăng bằng một lá cờ Mỹ. Ảnh: NASA |
Thảm họa
Apollo 13 là sứ mệnh thứ 7 của chương trình không gian Apollo của Mỹ, và là kế hoạch thứ ba đặt chân lên mặt trăng . Phi thuyền được phóng đi ngày 11/4/1970 từ trung tâm không gian Kennedy, bang Florida. Tuy nhiên, cuộc đổ bộ lên bề mặt Mặt Trăng đã không thể thực hiện khi thùng chứa oxy phát nổ, làm tê liệt module điều khiển, thiếu nước và mất nhiệt trong cabin.
Ba phi hành gia James Lovell, John Swigert và Fred Haise sống sót bằng cách thoát khỏi module Mặt Trăng và quay về Trái Đất bằng phi thuyền chính.
Chuyến bay một mình dài nhất
Phi hành gia Valery Bykovsky là người lập kỷ lục có chuyến bay dài nhất trong quỹ đạo với thời gian 5 ngày, trong nhiệm vụ Vostok-5 năm 1963. Nhiều phi hành đoàn khác với số lượng thành viên lớn hơn một từng vượt qua giới hạn bay này, nhưng đây là thời gian dài nhất đối với chuyến bay một phi hành gia.
Bykovsky có chuyến bay song hành với Valentina Tereshkova. Hai phi thuyền bay hai quỹ đạo song song, ở một điểm cách nhau khoảng 5 km nhưng không gặp nhau.
Anh Hoàng (Theo IB Times)