miệng hố đầu tiên được phát hiện trên bán đảo Yamal. Ảnh: Live Sience |
Nóng lên toàn cầu và khí methane
Cho đến nay đã có ba miệng hố bí ẩn được phát hiện ở Siberia. Miệng hố đầu tiên nằm ở khu vực bán đảo Yamal, phía bắc Nga và có chiều rộng khoảng 50-80 m. Miệng hố thứ hai nằm cách vị trí đầu tiên khoảng 30 km, có chiều rộng khoảng 15 m. Miệng hố thứ ba có đường kính nhỏ hơn, khoảng 4 m và nằm trên bán đảo Taymyr, phía đông của bán đảo Yamal, thuộc vùng Kransoyark.
Nguyên nhân hình thành miệng hố hiện vẫn chưa được làm rõ. Các giả thiết ban đầu được cho là liên quan đến sự va chạm của thiên thạch, vật thể bay không xác định hoặc do một vụ nổ khí.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia, các miệng hố có thể hình thành sau quá trình hoạt động địa chất có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu. Nơi đây vốn là khu vực giàu khí đốt tự nhiên, bị bao phủ dưới biển từ 10.000 năm trước. Quá trình ấm lên toàn cầu khiến băng tan chảy, giải phóng khí, khiến "hỗn hợp" nước, muối và khí phát nổ dưới lòng đất, hình thành miệng hố khổng lồ.
Giả thiết này tương tự như lời giải thích của một nhà khoa học Mỹ có tên Jason Box. Theo đó, sự thay đổi khí hậu khiến các lớp băng tan chảy, thúc đẩy sự thoát khí methane và hình thành nên các miệng hố. Sử dụng dữ liệu từ trạm quan sát khí hậu ở Tiksi, một thị trấn nhỏ thuộc nước Cộng hòa Sakha, trạm quan sát ở Alaska và Canada, Box phát hiện mức khí methane cao ở khu vực này.
Andrey Plekh là một chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học của Nga. Ông nhận định các miệng hố có thể hình thành trong khoảng 24 tháng qua. Biến đổi khí hậu khiến khí methane bị giữ lại bên dưới các lớp băng ở siberia giải phóng đột ngột.
Miệng hố thứ ba ở Siberia. Ảnh: SiberianTimes |
Các nguyên nhân khác
Theo ý kiến cá nhân của nhà địa chất học Vladimir Romanovsky, miệng hố ở Siberia là một dạng hố địa ngục. Nhà nghiên cứu tầng đóng băng vĩnh cửu của Đại học Alaska Fairbanks cho biết các loại hố này được hình thành trên mặt đất, khi nước không thể chảy ra ngoài. Nước có thể xuất hiện từ băng tan chảy. Tuy nhiên hầu hết các hố tử thần sẽ hút các dạng vật chất bị đổ sụp vào bên trong lòng hố.
Chris Fogwill, chuyên gia của của Đại học New South Wales, Australia, cho rằng miệng hố đầu tiên ở Siberia có thể được tạo ra sau sự sụp đổ của pingo. Pingo là một thuật ngữ mô tả ụ đất bao phủ băng bên dưới, thường hình thành ở Bắc Cực và vùng cận cực.
Theo Kenji Yoshikawa, một nhà khoa học môi trường Đại học Alaska Fairbanks, pingo có thể đã bị sụp đổ dưới tác động nào đó và khô cạn. Đây có thể là lời giải thích hợp lý nhất cho sự hình thành miệng hố thứ nhất ở bán đảo Yamal.
Tuy nhiên, Romanovsky bác bỏ quan điểm trên vì cho rằng miệng hố này không giống như một pingo bị sụp thông thường. Đặc trưng của chúng là thường hình thành từ một gò đất lớn hơn, vốn sẽ tạo ra hang sâu trong thời gian dài hàng chục năm và tất cả các dạng vật chất đều rơi xuống dưới. Trong khi đó, miệng hố ở Yamal cho thấy nhiều dạng vật chất tập trung ở rìa miệng hố, cùng với các mảng đất tối màu ở xung quanh như xuất hiện sau các vụ cháy.
Sự hình thành miệng hố có thể bắt đầu tương tự như hố tử thần, nơi nước tập trung ở một khoang ngầm bên dưới. Tuy nhiên thay vì khoang ngầm này bị vỡ khiến nước tràn ra ngoài, thì quá trình này có thể xuất phát từ tác động của một loại khí tự nhiên như methane.
Linh Anh (Theo Live Science)