Pierre Tallet, nhà nghiên cứu ai cập của Đại học Paris-Sorbonne tại Pháp, cùng các đồng nghiệp từ Viện Nghiên cứu Khảo cổ Pháp đã phát hiện cảng tại vùng Wadi al-Jarf của Ai Cập. Nó nằm bên bờ Biển Đỏ và có niên đại xấp xỉ 4.500 năm. Như vậy, nó được xây dựng trong giai đoạn mà vua Khufu trị vì Ai Cập, Discovery News đưa tin.
"Với niên đại ấy, nó ra đời trước mọi cảng biển khác ít nhất 1.000 năm", Tallet khẳng định.
Ngoài cầu cảng, các nhà khảo cổ còn phát hiện rất nhiều mỏ neo được tạc từ đá, bình chứa, mẩu dây thừng và mảnh gốm.
Một trong tờ giấy cói mà các nhà khảo cổ tìm thấy tại cảng biển cổ nhất thế giới. Ảnh: AP. |
Nhưng điều khiến các nhà khảo cổ cảm thấy phấn khích nhất là 40 tờ giấy cói khá đẹp mà họ tìm thấy trong khu phức hợp cảng.
"Chúng là những văn bản giấy cói cổ xưa nhất mà giới khảo cổ từng phát hiện tại Ai Cập. Nội dung trên những tờ giấy cói cho chúng ta thấy cuộc sống của người Ai Cập cổ đại vào năm thứ 27 trong triều đại vua Khufu", Mohamed Ibrahim, Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập, phát biểu.
40 tờ giấy cói là nhật ký của Merrer, một quan chức tại cảng. Merrer cũng là người giúp vua Khufu chỉ đạo quá trình xây kim tự tháp - nơi an nghỉ của nhà vua sau khi ông qua đời.
Minh Long