Ánh sáng (mũi tên đỏ) dội ra ra áo choàng như thể chiếc áo là một tấm gương phẳng. Ảnh: Phòng thí nghiệm Lawrence Berkeley |
Theo Live Science, nghiên cứu do Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley, Mỹ phát triển, đứng đầu dự án là giám đốc Xiang Zhang, công bố trên tạp chí Science ngày 17/9.
Chiếc áo thực chất là tấm màng mỏng dày 50 nanomet. Nó gồm một lớp MgF2, bên trên có gắn những miếng ăngten như viên gạch mạ vàng siêu nhỏ, dày 30 nanomet (khoảng 3/10.000 độ dày sợi tóc). Những "viên gạch" này có 6 kích cỡ khác nhau, dài 30-220 nanomet và rộng 90-175 nanomet.
Chiếc áo bọc quanh một vật thể dài khoảng 36 micromet (0,0036 cm) có các cạnh không đều nhau. Khi ánh sáng bước sóng 730 nanomet chiếu vào, ánh sáng bị phản xạ gần như hoàn toàn mà không thể hiện vị trí của vật thể, như thể có một tấm gương phẳng đang nằm ở vị trí của nó, các nhà nghiên cứu nói.
Vật thể nhỏ xíu đó dường như vô hình vì các ăngten mạ vàng kiểm soát sự tán xạ của ánh sáng phản chiếu, các nhà khoa học giải thích. Thông thường, ánh sáng khi chiếu vào một vật (kể cả gương) cũng ít nhiều bị tán xạ, đặc biệt đối với vật thể hình dạng không đồng đều. Các sóng ánh sáng cũng có thể tạo ra vân giao thoa. Kết quả là, ánh sáng phản chiếu cho ra màu sắc hoặc ảnh phản xạ, tùy thuộc vào vật thể nó chiếu vào.
Chiếc áo choàng tàng hình thay đổi điều trên. Chúng phản chiếu ánh sáng mà vẫn bảo lưu pha và tần số ánh sáng. Chiếc áo tạo cảm giác ánh sáng chiếu vào một tấm gương hoàn hảo chứ không phải bất kỳ một đồ vật nào khác. Ngay cả các cạnh của nó cũng không thấy, theo các nhà nghiên cứu.
"Bạn có thể hô biến một cái xe tăng và khiến nó nom giống một chiếc xe đạp", Zhang nói. Chỉ cần điều chỉnh ăngten là có thể dễ dàng nhìn thấy bất cứ vật gì bạn muốn. Về mặt lý thuyết, chiếc áo có thể che dấu mọi thứ nếu nó đủ lớn và tạo ra ảo ảnh.
Mặc dù thí nghiệm sử dụng bước sóng 730 nanomet nhưng chiếc áo có thể ứng dựng với các bước sóng khác, Zhang nói. Hơn nữa, nó có khả năng làm vật biến mất khỏi tầm nhìn từ bất kỳ góc nào và không nhất thiết phải có một hình thù nhất định.
Tuy nhiên, chiếc áo cũng có nhược điểm: Khi một người khoác chiếc áo tàng hình này, anh ta sẽ phải đứng yên, vì nó được điều chỉnh khớp với hình ảnh nền phía sau. Andrea Alu, phó giáo sư ngành kỹ thuật điện, đại học Texas, cũng tỏ ra nghi ngờ khả năng tạo ảo ảnh như Zhang nói.
"Họ dùng vật thể lồi kích thước siêu nhỏ làm thí nghiệm", Alu nói. "Nếu dùng những thiết bị có kích thước lớn hơn, tôi không chắc có thể thu được kết quả tương tự. Khi chiếu ánh sáng vào vật, một phần vật thể sẽ không nhận được sáng, nó chìm trong bóng tối". Như vậy, ảo ảnh của vật phản xạ ánh sáng sẽ không thành, ông nói.
"Cái hay của nghiên cứu này là bạn có thể kiểm soát bề mặt phản xạ có kích cỡ nhỏ hơn bước sóng", Alu nói, nhận xét phát hiện mới cũng cho thấy khả năng kiểm soát sự phản xạ ánh sáng bằng cấu trúc có kích thước nanomet trên bề mặt mỏng.
Theo Zhang, tính chất phản xạ của công nghệ này có thể áp dụng trong trình chiếu. Nếu chỉnh đúng pha và tần số ánh sáng phản xạ, một màn hình không phẳng cũng có thể đem lại những hình ảnh không bị méo mó. Bước tiếp theo của nhóm nghiên cứu là chế tạo ra nhiều loại vật liệu này và điều chỉnh ăngten cho phù hợp với các bước sóng ánh sáng khác nhau.
Ngọc Anh