chim hét cao cẳng Jerdon được tìm thấy ở Myanmar. Ảnh: National Geographic |
Theo National Geographic, nhóm nghiên cứu của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) và Đại học Quốc gia Singapore (NUS) tình cờ bắt gặp loài chim hét cao cẳng Jerdon ở Myanmar hồi cuối tháng 5/2014, khi đang nghiên cứu những loài chim khác tại đồng cỏ gần trạm nghiên cứu nông nghiệp bỏ hoang.
Nghe thấy một tiếng kêu đặc biệt, các nhà khoa học đã thu âm và bật lại, khiến một con chim trưởng thành nghe thấy tìm tới. Hai ngày sau, họ tìm được vài ba cá thể chim "tuyệt chủng" nữa, lấy mẫu máu xét nghiệm và chụp được ảnh sắc nét.
Con chim màu nâu, nhỏ cỡ chim sẻ là một trong ba phân loài chim hét cao cẳng Jerdon được phát hiện trên các lưu vực sông ở Nam Á.
Loài chim này lần đầu được mô tả nhờ nhà tự nhiên học người Anh T.C Jerdon năm 1982. Chúng xuất hiện lần cuối ở thị trấn Myitkyo, phía nam sông Sittaung năm 1941. Trong suốt thế kỷ trước, khu vực này bị chuyển đổi từ những cánh đồng cỏ sang các khu định cư và trang trại.
Điều quan trọng là xác định môi trường sống còn lại bao nhiêu phần ở nơi loài chim hét cao cẳng tái xuất , Richard Thomas, thành viên Hội đồng Chim châu Á, người báo cáo phát hiện trên trong tạp chí Birding ASIA cho biết. Điều đó sẽ giúp các nhà bảo tồn tìm ra cách bảo vệ loài chim này và môi trường sinh sống còn lại của chúng.
Những con chim được tìm thấy có "sức khỏe tốt", Thomas nói. "Nó cho thấy loài này vẫn ổn, và môi trường sống của chúng vẫn còn đó". NUS vừa đưa mẫu ADN của chim đi nghiên cứu để xem liệu nó có phải một loài đầy đủ hay không. Nếu xét nghiệm dương tính, loài này sẽ được coi là đặc hữu ở Myanmar.
Đây không phải lần đầu các nhà khoa học tìm thấy một loài được cho là đã tuyệt chủng. Năm 2009, chim trĩ Worcester, một loài được cho là đã tuyệt chủng ở Phillippines, được chụp ảnh trước khi bị đem bán ở chợ gia cầm.
Chim hét cao cẳng Jerdon. Ảnh: Wildlife Conservation Society |
Hồng Hạnh