Hình minh họa quá trình đổ bộ xuống bề mặt sao Hỏa của Curiosity. Trong quá trình rơi robot phát ra tín hiệu radio cơ bản (màu hồng) và tín hiệu UHF (màu xanh). Odyssey và Mars Reconnaissance Orbiter, hai phi thuyền bay quanh sao Hỏa, sẽ lần lượt nhận tín hiệu UHF và cơ bản để truyền về trái đất. Ảnh: NASA. |
Curiosity đáp xuống hố Gale trên sao Hỏa vào lúc 1h30 sáng ngày 6/8 theo giờ miền đông nước Mỹ, tức 12h30 theo giờ Hà Nội. Tốc độ của nó trong bầu khí quyển sao Hỏa là 20.000 km/h. Thiết bị lao trong bầu khí quyển 13 phút trước khi phát tín hiệu về trái đất để xác nhận nó đã hạ cánh an toàn với tốc độ là 0,6 m/giây khi chạm đất.
Những người điều khiển chuyến bay tại Los Angeles vỗ tay, nhảy khỏi ghế và ôm nhau sau khi nhận được tín hiệu từ Curiosity. Vài giây sau, Curiosity gửi về ba ảnh đầu tiên. Bánh của cỗ máy hiện ra trong một ảnh.
Các quan chức của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định cú đổ bộ của Curiosity là nhiệm vụ phức tạp và căng thẳng nhất mà họ từng thực hiện.
"Chúng ta đã trở lại sao Hỏa. Sự kiện này thật kỳ diệu", ông Charles Bolden, giám đốc NASA, phát biểu.
Những người điều khiển chuyến bay thể hiện sự vui mừng sau khi Curiosity đổ bộ thành công xuống hố Gale trên sao Hỏa. Ảnh: ABC. |
Nhóm chuyên gia kỹ thuật sẽ kiểm tra khả năng vận hành của Curiosity trong vài giờ tới.
NASA từng đưa ba robot tự hành lên sao Hỏa, song Curiosity là cỗ máy to và phức tạp hơn nhiều so với ba robot kia. Chỉ riêng thiết bị lớn nhất của Curiosity đã có khối lượng gấp 4 lần robot đầu tiên bay lên sao Hỏa vào năm 1997.
Nhiệm vụ chính của Curiosity là tìm hiểu dãy núi trung tâm trong hố Gale trong hai năm. Dãy núi này có độ cao hơn 5 km. Nó sẽ leo lên dãy núi để nghiên cứu các khối đá có niên đại vài tỷ năm và tìm kiếm bằng chứng về sự tồn tại của vi khuẩn trong lịch sử của sao Hỏa. Nhờ một máy phóng laser, Curiosity có thể phân tích thành phần của đá.
Video minh họa quá trình đổ bộ xuống sao Hỏa của Curiosity |
Các nhà khoa học của NASA nhận định tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa là công việc lâu dài. Vì thế thời gian hoạt động của Curiosity có thể kéo dài tới 10 năm hoặc hơn nữa. Nó sở hữu pin plutonium, loại pin có độ bền lớn hơn rất nhiều so với những tấm pin năng lượng mặt trời mà ba robot thăm dò trước đây sử dụng.
Minh Long