Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp đại sứ Đại sứ giles lever đến trình Quốc thư hôm 10/9. Ảnh: TTXVN. |
Theo Đại sứ Giles Lever, biến đổi khí hậu toàn cầu đang có mức độ tác động tồi tệ và nhanh chóng đến xã hội và kinh tế toàn cầu, từ những nước có nền công nghiệp hiện đại đến các nền kinh tế mới nổi. Lượng phát thải toàn cầu hiện nay có xu hướng tăng lên, trong khi cắt giảm phát thải thất bại đồng nghĩa với việc nhiệt độ tăng 4 độ, diện tích vùng ngập lụt tăng 77%, số ngày hạn hán tăng 5% và nước tưới tiêu giảm 8%.
Các dự đoán mang tính khoa học về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu được đánh giá là đáng báo động ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Với bờ biển dài và nhiều đồng bằng lớn, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai cường độ lớn và thường xuyên. Theo báo cáo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% các vùng ven biển sẽ bị ngập úng, khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10%.
Với cương vị là tân đại sứ tại Hà Nội, ông Giles Lever mong muốn chia sẻ những nỗ lực của Vương Quốc Anh, đồng thời đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
"Chúng tôi nhận thấy giảm phát thải là một thách thức lớn đối với Việt Nam, trong khi vẫn cần duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao", ông Giles Lever nói, đồng thời khẳng định cam kết gần 4 tỷ bảng Anh vào tài chính khí hậu toàn cầu đến năm 2016, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển.
Phát biểu về vai trò của cộng đồng quốc tế, đại sứ hy vọng các nước cùng thực hiện mục tiêu chung là đạt được kết quả đàm phán về biến đổi khí hậu của liên hợp quốc (LHQ), diễn ra tại thủ đô Paris, Pháp, tháng 12/2015. Theo đại sứ, các nước cần có ràng buộc pháp lý đối với việc giảm phát thải để cùng đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
"Đây là thời điểm hành động chống biến đổi khí hậu. Chỉ bằng cách cùng nhau hành động và đề ra tham vọng lớn, chúng ta mới có thể tránh được tình trạng khí hậu không ai mong muốn xảy ra trong tương lai, trong khi vẫn có thể tăng trưởng kinh tế bền vững", đại sứ đưa ra thông điệp.
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Tổng Thư ký LHQ ngày 23/9 tới là cơ hội duy nhất để các nhà lãnh đạo trên thế giới cùng nhau tái khẳng định cam kết, nhằm đạt được thỏa thuận mang tính lịch sử tại Paris, và nâng cao hiểu biết về biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận này chỉ có ý nghĩa khi các nước đều thể hiện mong muốn và kế hoạch cụ thể nhằm giảm phát thải khí nhà kính (GHG). Đại sứ cho biết, GHG ở vương quốc anh đã thấp hơn 26% so với mức phát thải năm 1990 và dự kiến mục tiêu này trong năm 2050 là 80%.
Vương quốc Anh mong muốn những nước bị ảnh hưởng như Việt Nam lên tiếng ủng hộ thỏa thuận trên. Ông Giles Lever đồng thời khuyến khích tra cứu và sử dụng bản đồ trực tuyến Tác động của Con người đến Biến đổi Khí hậu (Human Dynamics of Climate Change) mà Cục Khí tượng Anh giới thiệu trong thời gian gần đây.
Thùy Linh