Chị trần thị duyên bên mảnh ruộng cách biển chưa đầy một km. Ảnh: Việt Anh |
"Vụ vừa rồi sau khi tôi gieo sạ, ruộng hơi cạn nước tưới là lá lúa chuyển sang màu đỏ ngay, có lẽ năm nay lại không thu hoạch được", chị Duyên, trú tại xóm 3, xã Nam Thịnh, huyện tiền hải , Thái Bình, nói với VnExpress khi đứng bên ruộng lúa rộng hơn ba mẫu.
Chị Duyên cho biết mảnh ruộng của gia đình cách bờ biển chưa đến một km, đất bị nhiễm mặn nên việc canh tác khá rủi ro. Trong khi nước sông trên địa bàn cũng bị nhiễm mặn nên nguồn nước tưới chủ yếu chị vẫn phải dẫn từ trạm bơm của xã, năng suất lúa phụ thuộc phần lớn vào việc tưới tiêu. Tuy nhiên có vụ lúa lên tốt mà không có bông do ảnh hưởng của nước biển.
"Sau một thời gian suy tính, gia đình tôi quyết định đào rãnh xung quanh ruộng lúa để nước mặn chảy bớt xuống bên dưới. Đến khi đào đắp được vòng thứ hai thì ruộng đỡ bị mặn hơn. Còn rãnh thì tận dụng dùng để nuôi cá", chị Duyên cho hay.
Nhờ biện pháp này, có vụ gia đình chị Duyên thu hoạch được 1,5 -1,7 tạ trên mỗi sào. Bên cạnh việc dành hơn một mẫu để nuôi cá sau khi cải tạo khu đất, chị Duyên cũng trồng ăn cây quả trên bờ xung quanh và nuôi bò.
Theo ông Trần Văn Hưng, chủ nhiệm hợp tác xã Nam Thịnh (HTX), trong tổng diện tích đất nông nghiệp của toàn xã là 270 hecta, diện tích trồng lúa hiện có 155 hecta. "Với tỷ lệ thẩm thấu nước mặn từ 20-30% từ 2009 đến nay, năng suất lúa ở một số khu vực trong xã có năng suất rất kém, có năm chỉ đạt 50kg/sào, có năm thì mất trắng", ông Hưng nói.
Trong khi đó còn xuất hiện tình trạng thẩm thấu sâu, khiến nước ở sông, nguồn tưới tiêu chính của cả xã, cũng bị nhiễm mặn, có khi lên đến 6-7 phần nghìn.
Là một trong những hộ chọn tập trung đầu tư vào nuôi trồng thủy sản ở khu vực ven biển, anh Trần Văn Thưởng, cũng ngụ tại xóm 3, xã Nam Thịnh, cho biết anh đang canh tác trên diện tích khoảng 5,5 mẫu, gồm có cá song, cá vược và tôm sú.
Năm đầu tiên bắt tay vào nuôi trồng, 2009, anh Thưởng thu về gần 200 triệu đồng mặc dù diện tích nhỏ hơn hiện nay. Tuy nhiên càng về sau này càng khó hơn, cũng có năm anh bị mất trắng.
"Nuôi tôm và cá rất rủi ro, chủ yếu do môi trường không được đảm bảo vệ sinh, có những hộ có con giống bị bệnh chết không xử lý mà thải luôn ra đây khiến ao của hộ khác bị lây nhiễm", anh Thưởng cho hay.
Mỗi ngày anh Thưởng chi khoảng 700.000 đồng tiền thức ăn cho cá, phải chờ sau 2 năm mới thu hoạch. Chi phí cho tôm khoảng 70 - 100 triệu đồng trong 5 tháng với diện tích hai mẫu, có thể thu hoạch sớm hơn, ước tính 200 triệu đồng.
Với dự kiến mở rộng thêm diện tích nuôi trồng, anh Thưởng bày tỏ mong muốn chính quyền xã hỗ trợ kết nối các hộ cùng nuôi trong việc trao đổi để mở rộng diện tích, tránh tình trạng xé lẻ như hiện nay, thống nhất để thay nước đồng bộ, đảm bảo vệ sinh môi trường chung.
"Hiện nay mọi người vẫn đang làm theo kiểu mạnh ai nấy làm, chưa có hệ thống, quy hoạch. Tôi cho rằng nếu có một nhóm kiểu như hợp tác xã để cùng hỗ trợ nhau, họp bàn với nhau thì rất tốt", anh Thưởng nói.
Ông Hưng cho biết thêm chủ trương chuyển đổi các vùng đất bị nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản của xã nam thịnh đã được thực hiện hơn 10 năm nay, trên diện tích khoảng 50 hecta.
Mặc dù vậy, hiện tỷ lệ hộ nuôi trồng có lãi chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại các hộ bị lỗ hoặc hòa vốn do môi trường không đảm bảo vệ sinh và nguồn con giống chưa đảm bảo.
"Các hộ thu được lãi từ 30-40 triệu đồng trở lên là những hộ có diện tích lớn, ít nhất là 3.000 m2 nhưng chỉ chiếm số ít. Vì thế xã Nam Thịnh cũng đang tính đến phương án dồn đổi để người dân có diện tích lớn hơn nhằm canh tác hiệu quả hơn", ông Hưng cho hay.
Đề cập việc ngăn chặn nhiễm mặn vào đất nông nghiệp, ông Hưng cho hay chính quyền xã đã thực hiện một số biện pháp như xây dựng kênh ngăn mặn, mương cứng chống thẩm thấu. Tuy nhiên các công trình này đang bị xuống cấp và có nguy cơ sẽ giảm chất lượng hơn trong thời gian tới.
"Nước biển được dự báo sẽ ngày càng xâm nhập sâu hơn, nhưng hiện xã vẫn chưa có biện pháp đề phòng nào dài hạn. Tôi nhận thấy trước mắt cần nâng cấp và sửa chữa hệ thống kênh mương , nhưng nguồn kinh phí của địa phương bị hạn chế", ông Hưng nói.
Với số vốn lên đến vài chục triệu đồng đầu tư vào mảnh đất bị nhiễm mặn, chị Duyên cho biết cũng có lúc chị "thấy nản" vì chưa thu hoạch được gì, diện tích này vẫn đang trong quá trình cải tạo. Nhiều người thấy chị xoay nhiều hướng thì khuyên nên bỏ đi, nhưng chị vẫn hy vọng có thể kết hợp mô hình vườn - ao - chuồng ở đây.
"Thực sự là gia đình tôi đang từng bước khắc phục, chứ chưa có kế hoạch dài hạn nào. Với chi phí cấy lúa cao, có thể tôi sẽ tập trung hướng chính vào trồng cỏ nuôi bò nếu điều kiện thuận lợi", chị nói.
Anh trần văn thưởng dành hầu hết thời gian để chăm sóc ao nuôi cá và tôm. Ảnh: Việt Anh |
Việt Anh