vải của Việt Nam sẽ được áp dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng dành cho xuất khẩu. Ảnh minh họa: TTXVN |
Đoàn đại diện của Nhật Bản, Australia, Malaysia, israel cùng đại diện 3 tỉnh quảng ninh , Hải Dương, bắc giang và Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) hôm qua chính thức ký kết biên bản ghi nhớ tại Bộ Khoa học và Công nghệ, về việc hợp tác đưa các ứng dụng công nghệ cao để hỗ trợ cho người dân các vùng trồng vải của 3 tỉnh trên tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn và có thể xuất khẩu sản phẩm sang nước ngoài trong năm 2015 và các năm tiếp theo.
Mục tiêu trọng tâm của chương trình hợp tác là tổ chức đưa các ứng dụng khoa học công nghệ vào việc trồng vải, bảo quản, chế biến đạt tiêu chuẩn và xuất khẩu sang nước ngoài. Trong năm nay, các bên sẽ phối hợp hỗ trợ để xuất khẩu 1.000 tấn vải của ba tỉnh hải dương , Quảng Ninh, Bắc Giang sang thị trường của 6 nước nước là Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Australia, mỹ và Israel. Các bên cũng tổ chức các chương trình marketing phát triển thị trường cho các sản phẩm này tại nước ngoài.
Về lâu dài, chương trình hợp tác này sẽ xây dựng và áp dụng hệ tiêu chuẩn quốc tế để triển khai tới các địa phương và đưa nông sản Việt Nam đi xuất khẩu trên nhiều nước trên thế giới. Dự kiến những năm tiếp theo, chương trình cam kết sẽ xuất khẩu từ 50.000 - 100.000 tấn vải/ năm, con số này sẽ liên tục tăng trưởng qua các năm kể từ sau năm 2015. Từ đó tiến tới xây dựng thương hiệu cho trái vải Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trước tiên, tại thị trường Nhật Bản, đại diện Ủy ban Nghiên cứu chiến lược Nông - Lâm - Ngư nghiệp nhật bản khẳng định sẽ hỗ trợ làm các thủ tục pháp lý cần thiết tại phía Nhật bản và đưa ra các yêu cầu cụ thể với phía Việt Nam để đảm bảo Việt Nam có thể xuất khẩu quả vải sang thị trường Nhật Bản. Ủy ban cũng giới thiệu các doanh nghiệp Nhật Bản cung cấp các hệ tiêu chuẩn, công nghệ cần thiết để trồng, chăm sóc và bảo quản vải đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân cũng đánh giá cao chương trình chuyển giao công nghệ lần này, khẳng định sẽ cam kết tạo ra các hành lang pháp lý trong khuôn khổ do Bộ có thẩm quyền để hỗ trợ chương trình thành công. Ông Quân cũng cho biết sẽ tổ chức các đơn vị, con người hoặc các thiết bị sẵn có để sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân triển khai chương trình này.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, ông Nishikawa Koya, Chủ tịch Uỷ ban Nghiên cứu chiến lược Nông- Lâm- Ngư nghiệp Nhật Bản, ông Nishikawa Yasuo, Văn phòng Nghị sĩ Nishikawa cùng đại diện hiệp hội, công ty của Nhật, Malaysia, Israel, australia cũng gặp gỡ các bộ, ngành liên quan và ký kết các hợp tác quan trọng nhằm đưa các ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông, lâm ngư nghiệp của Việt Nam nói chung.
Khánh Lynh