Tê giác cái Nabire ở vườn thú Dvur Kralove. Ảnh: Vườn thú Dvur Kralove |
Theo Live Science, trong cuộc họp tại Vienna từ 3-6/12, các nhà nghiên cứu đã lên kế hoạch dùng tế bào gốc để tạo ra phôi thụ tinh và cấy vào con cái tê giác trắng phương Nam.
tê giác trắng phương bắc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì mất môi trường sống và nạn săn bắn trộm. Cho đến tháng 12/2014, chỉ còn 6 con tê giác trắng phương Bắc trên Trái Đất còn sống, trong điều kiện nuôi nhốt. Tuy nhiên, cùng tháng đó, con đực Angalifu chết trong vườn thú San Diego, khiến Sudan - con tê giác 42 tuổi trở thành con đực duy nhất còn sống của loài tê giác trắng phương Bắc.
Đến tháng 7, Nabire - con tê giác cái 31 tuổi chết vì vỡ u nang tại vườn thú ở Czech. Tháng 11, Nola - con tê giác cái 41 tuổi cũng chết vì nhiễm trùng ở vườn thú San Diego, khiến cả thế giới chỉ còn ba cá thể loài này.
Hiện chúng sống ở khu bảo tồn Ol Pejeta, Kenya. Sudan mặc dù vẫn sống nhưng quá già và đã qua tuổi sinh sản. Hai con cái còn lại là Naijin và Fatu cũng không đủ sức khỏe để sinh sản theo cách truyền thống.
Vì vậy, các nhà khoa học định lấy trứng và tinh trùng của Sudan rồi dùng công nghệ trẻ hóa tế bào biến nó trở về giai đoạn phát triển trước đó, lúc tế bào có thể biến thành nhiều mô khác nhau của cơ thể. Các nhà khoa học hy vọng có thể đảo ngược những tế bào này phát triển thành tế bào tinh trùng vào trứng. Sau đó, dùng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) để thụ tinh cho phôi và cấy vào tử cung của tê giác trắng phương Nam - họ hàng gần nhất với tê giác trắng phương Bắc.
Tuy nhiên, kế hoạch này có những rủi ro nhất định. Chưa ai từng thành công trong việc cấy phôi IVF của loài này vào loài khác. Mỗi loài đòi hỏi những điều kiện tế bào riêng biệt để tạo nên môi trường tử cung độc nhất, Barbara Durant, giám đốc Viện nghiên cứu bảo tồn thuộc vườn thú San Diego cho biết.
Durant cho rằng, thời gian để tạo ra phôi tê giác thành công trong phòng thí nghiệm còn chưa xác định được, rất có thể loài tê giác trắng phương Bắc sẽ tuyệt chủng trước khi các nhà khoa học tạo ra cá thể mới thành công.
Katsuhiko Hayashi ở đại học Kyushu, Nhật Bản, đã lai tạo một con chuột mới thành công nhờ trứng nuôi cấy từ tế bào gốc da chuột năm 2012. Các nhà khoa học đang nghiên cứu chuyển giao công nghệ này từ chuột sang tê giác trắng phương Bắc, theo vườn thú Dvur Kralove, Czech. Các nhà khoa học dự kiến công bố kế hoạch này sang năm.
Hồng Hạnh