Bắt và sơ chế hải sâm tại bãi biễn ở Phú Quốc. Ảnh: A.X |
Theo số liệu nghiên cứu của Quỹ bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF), số lượng quần thể sinh vật biển từ năm 1970 đến nay giảm xuống 50%. Trong đó, quần thể hải sâm đã giảm đến 98%. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái biển.
Tại Việt Nam những ngày qua, hải sâm trôi dạt từng cụm, ước lượng hơn hai tấn trải dài trên 10 km bãi biển Phú Quốc. Theo các chuyên gia thủy sản Đại học Cần Thơ, hiện tượng này có thể do mật độ khai thác hải sản trên vùng biển Phú Quốc ngày càng dày đặc. Đặc biệt là việc ào ạt cào bắt con banh lông để bán cho Trung Quốc mấy tháng trước khiến môi trường đáy biển bị cày xới, thay đổi. Từ đó hải sâm không chịu nổi phải di cư.
Banh lông là một loài hải sâm hình cầu, da nhám có độ nhớt, theo Viện Hải dương học Nha Trang. Chúng sinh sống vùi sâu dưới đáy biển 20-30 cm. Để khai thác, người ta dùng giàn cào cắm hàng loạt gai sắt dài trung bình 20 cm để xới tung đáy biển, lùa banh lông vào lồng.
Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa), khẳng định hải sâm dạt vào bờ biển Phú Quốc là hiện tượng bất thường. Còn Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Sinh thái học miền Nam cho rằng, một khi nền đáy san hô bị xâm hại nghiêm trọng có thể trở thành nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sâm trôi dạt vào bờ biển Phú Quốc.
Hải sâm hay dưa chuột biển là sinh vật mềm, thường được tìm thấy dưới đáy đại dương. Theo Sina, từ lâu, y học cổ truyền Trung Quốc đã coi hải sâm là phương thuốc bổ thận tráng dương, có thể chữa nhiều bệnh nam giới như thận yếu, liệt dương, tiểu đêm, suy giảm chức năng tình dục.
Hải sâm giàu axit amin, hàm lượng lên đến 86,5%; trong đó arginine chiếm 11,9%. Ariginine là thành phần chính để tổng hợp collagen, có tác dụng thúc đẩy tế bào tái sinh, hồi phục tổn thương cơ bắp, tiêu trừ mệt mỏi, hồi phục thể lực. Chúng được coi là đặc sản tại các nước Đông Á hàng nghìn năm qua.
Lao công đáy biển
Theo nghiên cứu năm 2011 của đại học Newcastle, hoạt động nuôi trồng hải sản quy mô lớn trên đại dương toàn cầu sinh ra lượng rác thải lớn, tác động tiêu cực vào môi trường đáy đại dương. Tuy nhiên, có thể sử dụng hải sâm để làm sạch lượng rác thải này một cách hữu hiệu và tự nhiên.
Hải sâm là loài đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển. Như "những người lao công cần mẫn", chúng là loài chuyên ăn xác chết của động vật dưới biển, giúp thiết lập cân bằng vi sinh môi trường đáy biển, phục hồi hệ sinh thái san hô.
Không chỉ dọn dẹp đáy biển, "hải sâm có thể là chìa khóa quan trọng giúp giải đáp nhiều bí ẩn của thế giới sinh vật biển", Yang Hongsheng, phó giám đốc Viện Hải dương học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc phát biểu trên SCMP hồi đầu tháng 8.
nỗ lực bảo tồn
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học PNAS hồi tháng 5 của CSIRO (Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Australia), hải sâm là nguồn dược liệu và thực phẩm có giá trị cao tại thị trường châu Á. Do đó, nó đang bị đánh bắt quá mức. Tổ chức này đề nghị, cần phải thiết lập một cơ chế quản lý bền vững và khai thác có hiệu quả, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Hiểu rõ lợi ích của hải sâm đối với môi trường biển, nhiều quốc gia như Australia, Mỹ đã cấm khai thác, hoặc chỉ cho phép khai thác theo mùa, hay kêu gọi người dân bảo tồn loài động vật này.
Chính quyền Ecuador áp dụng lệnh cấm đánh bắt hải sâm dài 4 năm ở khu vực quần đảo Galápagos, theo Huffington Post. Lệnh cấm mới được nới lỏng, cho phép ngư dân khai thác hải sâm trong vòng 45 ngày, từ 1/8 đến 15/9, với số lượng hạn chế là 500.000 con, bất chấp sự phản đối của nhiều ngư dân.
Theo KITV, chính quyền bang Hawaii, Mỹ, hồi cuối tháng 6 ra lệnh cấm đánh bắt hải sâm trong vòng 120 ngày, trong phạm vi khu vực biển thuộc bang, vì "chưa từng chứng kiến mức độ khai thác mạnh như hiện nay tại Hawaii, và cần phải nghiên cứu đầy đủ tác động của nó đối với ngành thủy sản và môi trường biển".
Tại Madagascar một tổ chức từ thiện hướng dẫn người dân kết hợp bảo tồn biển với nuôi trồng và thu lợi từ hải sâm, giúp nâng cao thu nhập của người dân, theo Telegraph.
Tại Công viên Hải dương Great Barrier - nơi có quần thể san hô ngầm lớn nhất thế giới, chính quyền Australia ban lệnh khai thác hải sâm luân canh. Kết quả cho thấy, cách khai thác này giảm nguy cơ cạn kiệt hóa những loài hải sâm có giá trị cao như hải sâm trắng, đen và Actinopyga spinea.
"Để ngăn ngừa quần thể hải sâm suy giảm, cứ ba năm một lần, chúng tôi mới cho phép quay vòng lại khu vực khai thác lần lượt trong số 21 rạn san hô", Danielle Kuhn, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Cơ quan Quản lý Thủy sản Australia cho biết.
Theo Eva Plagany, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, cách khai thác luân phiên này có thể áp dụng dễ dàng cho những nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản ở Nam Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Những "chuồng nuôi" hải sâm thuộc vịnh biển ở Tempolove, Madagascar. Ảnh: Telegraph |
Hồng Hạnh