Các nhà khoa học thuộc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ) vừa công bố ba loài mộc hương (Aristolochia) mới ở Việt Nam là Aristolochia faviogonzalezii T.V.Do, S.Wanke & C.Neinhuis ( mộc hương Favio); Aristolochia tadungensis T.V.Do & T.H.Luu (Mộc hương Tà Đùng) và Aristolochia tonkinensis T.V.Do & S.Wanke (Mộc hương Bắc).
Là nhóm cây có vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn của nhiều loài sâu non, mộc hương còn được sử dụng trong bài thuốc dân tộc của nền y học cổ truyển Việt Nam và Trung Quốc. Phát hiện mới đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra hoạt chất sinh học mới và công tác bảo tồn.
Chuyến đi khám phá loài mới của nhóm khoa học bắt đầu từ cuối năm 2012 với sự giúp đỡ của chuyên gia Đức. Trước khi đi thực địa, nhóm đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các bộ mẫu tiêu bản và mô tả chuẩn tại các phòng tiêu bản thực vật ở Việt Nam và thế giới. Từ đó, nhóm lựa chọn khu rừng có sinh cảnh tương tự. Ngoài ra, dựa trên thông tin từ các bộ sưu tập chưa hoàn chỉnh trước đó, nhóm mới thực hiện khảo sát và thu thập lại mẫu.
Anh đỗ văn trường , thành viên nhóm nghiên cứu. Ảnh: NVCC. |
Từ năm 2012 đến 2014, các thành viên đã đi qua hầu hết khu rừng đặc dụng, vườn quốc gia, khu bảo tồn từ Bắc vào Nam để thu thập được mẫu, như: Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Lâm Đồng... Mỗi nơi nhóm ở lại 3-4 ngày.
"Có lần đi gần hai ngày không tìm được mẫu, khuôn mặt ai cũng buồn, nhưng không hề mất hy vọng vì luôn tin rằng vẫn còn nhiều khám phá mới đang chờ đợi, vì thế chúng tôi lại đi", anh Đỗ Văn Trường, thành viên nhóm nghiên cứu, nói.
Ở thực địa, các thành viên xác định chuyện ốm đau là bình thường và phải tự chăm sóc cho nhau, nhất là các mối nguy hại luôn rình rập bên cạnh như rắn, rết. "Nhiều khi mải quan sát mẫu mà không để ý rắn lục xanh đang cuốn trên cây, giống như cành hay lá cây", anh Trường nói.
Hai năm thu mẫu, nhóm nghiên cứu đã trải qua không ít khó khăn, đặc biệt là tại khu vực núi đá vôi ở Hà Nam. Nơi này còn hoang sơ, chỉ có đường mòn nhỏ của người dân vào rừng tìm củi, cây thuốc. Nếu đi không cẩn thận, cạnh đá sẽ xẻ chân. Vì thế một số người phải đợi ở dưới, vừa đi vừa dò đường. Nhóm phải thuê người dân bản địa phát đường trên sườn của núi đá tai mèo.
Sau khi tìm kiếm và không phát hiện mẫu nào, cả nhóm quyết định xuống núi đi về. Đi chừng 15 phút, anh Trường đề nghị quay lại tìm tiếp vì đã bỏ khá nhiều công sức ở khu vực này. "Chúng tôi tìm ở khu vực lối mòn khác và thật may mắn khi thấy một quần thể cây đang ra hoa rất đẹp", anh Trường kể lại.
"Cả nhóm hét lên sung sướng. Ngay lập tức các thao tác thu thập mẫu vật, mô tả sinh cảnh được nhanh chóng thực hiện. Khi đó trời đã bắt đầu tối, chúng tôi phải đi bộ khoảng hai tiếng rưỡi mới xuống được núi", anh Trường kể. Mẫu vật này chính là loài mộc hương Favio.
Một kỷ niệm đáng nhớ là tháng 4/2014 tại vườn quốc gia Hoàng Liên, nhóm khảo sát ở khu vực 2.200 m của dãy Hoàng Liên Sơn. Tối đến các thành viên cắm trại để tiện công việc nghiên cứu. Về đêm có một trận gió lốc lớn làm tung hết lều. Trời mưa to và lạnh, cả đoàn không ai ngủ được và chỉ mong trời sáng.
Sáng hôm sau trên đường đi xuống, nhóm bắt gặp một mẫu hoa nở rất đẹp và họ đã dành cả nửa tiếng để quan sát, ghi chép thông tin, chụp ảnh chi tiết. Sau này nghiên cứu kỹ nhóm mới biết đó là một loài bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam (trước đó loài này được ghi nhận ở Trung Quốc).
Quá trình nghiên cứu thực địa, các nhà khoa học đã băng qua rất nhiều khu rừng với địa hình khó khăn. Ảnh: Đỗ Văn Trường. |
Sau khi tìm thấy mẫu mới, các nhà khoa học phải nghiên cứu ở phòng tiêu bản, các tài liệu đã công bố, mô tả chi tiết mẫu vật, nghiên cứu mối quan hệ phát sinh chủng loại bằng kỹ thuật sinh học phân tử...
Trên cơ sở nghiên cứu hình thái so sánh với các mẫu chuẩn, nhóm chuyên gia định loại tên khoa học cho các mẫu tiêu bản thu thập ở Việt Nam, trong đó một số mẫu tiêu bản mang đặc điểm hình thái khác biệt với các loài đã được công bố. Từ đó, nhóm chi tiết cả về mặt hình thái học và mối quan hệ di truyền để công bố loài mới cho khoa học. Đến giữa năm 2015, bản thảo về mô tả các loài mới đã được tạp chí chuyên ngành Systematic Botany (Mỹ) chấp thuận.
Trong đó, việc phát hiện ra mộc hương Favio khá thú vị. Anh Trường cho biết, khi nghiên cứu mẫu tiêu bản tại Viện Dược liệu (Bộ Y tế), nhóm phát hiện một mẫu tiêu bản mang đặc điểm hình thái lá khác biệt với những loài đã biết ở Việt Nam, nhưng khá giống với một số loài có nguồn gốc ở cùng Hymalaya. Tuy nhiên, các mẫu tiêu bản đó thiếu cơ quan sinh sản (hoa và quả) nên nhóm không thể kết luận là loài mới hay không.
Sau đó, đồng nghiệp tại Đại học Dược Hà Nội đã chia sẻ những hình ảnh và thông tin của một mẫu mộc hương được ghi nhận tại địa điểm gần khu vực thu thập mẫu tiêu bản ở Viện Dược liệu. Trên cơ sở đó, nhóm đã tiến hành các đợt khảo sát ngoài thực địa xung quanh khu vực đã được ghi nhận để thu thập mẫu hoa, quả và cho thấy đó là loài mộc hương mới Favio.
Hình thái bao hoa của Aristolochia faviogonzalezii. Ảnh: Nghiêm Đức Trọng. |
Loài mộc hương Bắc được phát hiện không hề đơn giản. Khi nghiên cứu ngoài thực địa ở rừng quốc gia Cúc Phương, nhóm đã tham khảo một số tài liệu về tài nguyên thực vật nơi đây, trong đó đề cập đến loài Aristolochia saccata Wall. Tuy nhiên, hình ảnh minh họa và mô tả hình thái lại thể hiện một loài mộc hương khác.
Sau đó, nhóm tìm lại các mẫu vật thu tại Vườn quốc gia Cúc Phương, đang được lưu giữ ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Cả hai dữ liệu về hình thái học và sinh học phân tử đều khẳng định loài ở Cúc Phương không phải là Aristolochia saccata Wall.
"Việc phát hiện ra loài mới là cả quá trình với rất nhiều công việc được hoàn thành như mô tả đặc điểm hình thái của mẫu vật, viết bản thảo tóm tắt nét đặc trưng của loài, đặt tên khoa học...", anh Trường cho biết.
Nói về khó khăn trong nghiên cứu, anh Trường cho hay, không chỉ riêng anh mà đa số nhà khoa học trẻ đang làm công tác nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam gặp nhiều bế tắc, nhất là sự tiếp cận thông tin, cơ sở dữ liệu và nguồn kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và công bố khoa học.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn gặp nhiều khó trong việc nghiên cứu các mẫu tiêu bản. Ở Việt Nam nhóm thực vật này ít thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học, nên hầu hết mẫu tiêu bản là không hoàn chỉnh, có thể thiếu hoa hoặc quả, hoặc mẫu ở tình trạng bảo quản không tốt, hoặc thiếu thông tin mô tả ngoài thực địa. Vì vậy giới khoa học phải tổ chức nhiều hơn các nghiên cứu ngoài thực địa để thu thập lại các mẫu.
Để công bố loài mới, nhóm nghiên cứu đã trải qua các bước: - Mô tả chi tiết từng đặc điểm hình thái của mẫu vật như dạng sống, cơ quan sinh dưỡng (hình dạng, màu sắc, kích thước của lá, cuống lá, lá bắc…), cơ quan sinh sản (hình dạng, màu sắc, kích thước của hoa, quả, hạt), ghi nhận thông tin về vật hậu (mùa ra hoa, quả) và đặc điểm sinh thái nơi phân bố của loài. - Sau đó viết bản thảo tóm tắt những nét đặc trưng của loài mới phân biệt với các loài tương tự về mặt hình thái, mô tả chi tiết về loài mới. - Vẽ hình minh họa các đặc điểm đặc trưng, riêng biệt của loài mới. - Đặt tên khoa học cho loài mới. Tính ngữ loài mới có thể lựa chọn trên cơ sở tên người (nhà khoa học, người thu thập mẫu), tên địa danh (nơi phân bố của loài mới), tên đặc điểm hình thái đặc trưng của loài (hình thái lá, hoa…). Tên khoa học phải được tuân thủ theo đúng quy định của luật danh pháp quốc tế. - Khi bản thảo được hoàn tất sẽ gửi đăng ở các tạp chí khoa học chuyên ngành. Bản thảo sẽ được gửi cho các chuyên gia trong lĩnh vực để phản biện. - Khi tạp chí khoa học chấp thuận kết quả nghiên cứu, có nghĩa là loài mới đã được công bố. Tên loài chính thức được chấp thuận. |
Hương Thu