Loài khủng long có sừng Xenoceratops. Ảnh: LiveScience. |
Hóa thạch được xác định của loài khủng long có sừng Xenoceratops, dài hơn 6 mét, mỏ giống mỏ vẹt, hai sừng dài, gai mọc trên lưng và nặng hơn hai tấn.
Một tuyên bố đăng trên tạp chí "Khoa học trái đất Canada" số ra tháng trước cho biết, Xenoceratops có nghĩa là "mặt sừng lạ" chuyên ăn cỏ, ở phía nam tỉnh Alberta, cách thành phố Calgary khoảng 400 km. Những chiếc sừng Xenoceratops cho phép giới nghiên cứu xác định nó là một loài khủng long có sừng thân lớn mới.
Theo Tiến sĩ Michael Ryan, tác giả của nghiên cứu trên, Xenoceratops là loài khủng long ăn cỏ nguyên thủy nhất được tìm thấy tại Canada. Phát hiện về một trong những loài cổ nhất của khủng long có sừng cung cấp cho các nhà khoa học ý tưởng về cách thức tiến hóa của loài này. Bắt đầu từ 80 triệu năm trước, loài khủng long có sừng lớn ở Bắc Mỹ đã trải qua một sự bùng nổ về tiến hóa.
Đồng tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ David Evans thuộc Viện bảo tàng Hoàng gia Ontario cho hay, hình dạng chiếc sừng sẽ cho biết khủng long đủ trưởng thành và tìm bạn đời hay chưa.
Việc tìm ra hóa thạch của loài khủng long có sừng là một nỗ lực cộng tác kéo dài hơn 50 năm của dự án khủng long Nam Alberta. Dự án nhằm khám phá thời kỳ đồ đá 80 triệu năm trước và cách thức xuất hiện các loài khủng long.
Theo Vietnam+