Hình ảnh phóng đại từ kính hiển vi điện tử quét của tinh trùng niên đại 50 triệu năm . Ảnh: Live Science |
Live Science hôm qua đưa tin, loài giun này có khả năng tạo kén trong quá trình giao phối và bơm tinh trùng vào trong, trước khi vỏ kén cứng lại. Giống như nhựa cây phủ lên côn trùng rồi hóa thạch tạo thành hổ phách, kén này khi hóa thạch cũng bảo quản tinh trùng rất tốt qua hàng triệu năm, các nhà nghiên cứu cho biết.
"Do các tế bào tinh trùng có tuổi thọ quá ngắn và yếu ớt, chúng rất hiếm khi được tìm thấy trong các mẫu hóa thạch," Benjamin Bomfleur, nhà cổ sinh vật thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thụy Điển cho biết.
"Phát hiện của chúng tôi về tinh trùng trong kén ở nam cực là hóa thạch tinh trùng lâu đời nhất tìm được cho tới nay, và khảo sát địa chất cũng chỉ tìm được một số lượng rất nhỏ các hóa thạch như vậy."
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra cái kén khi đang tìm kiếm di tích một loài động vật có xương sống nhỏ ở Nam Cực. Họ sử dụng kính hiển vi điện tử quét để kiểm tra bề mặt cái kén và các hạt trên đó. Các nhà khoa học còn sử dụng một chùm tia X năng lượng cao từ một máy gia tốc hạt ở Thụy Sĩ để chụp ảnh cấu trúc bên trong cái kén. Những phân tích này cho thấy bên trong cái kén có vi khuẩn và tinh trùng.
Tuy nhiên, những gì tìm thấy chỉ là các mảnh rời rạc, không phải một tế bào tinh trùng hoàn chỉnh.
"Tất cả những gì chúng tôi tìm thấy chỉ là các mảnh tinh trùng ở phần đầu có dạng mũi khoan, phần giữa có thể chứa nhân tế bào và các phần đuôi rất dài, một số dính vào phần giữa," Bomfleur nói.
Rất khó để so sánh các mảnh tinh trùng hóa thạch đó và tinh trùng hiện nay. Tuy nhiên, phần đầu có dạng mũi khoan "rất giống với loài giun có hình dạng đỉa ngày nay, chuyên sống ký sinh trên tôm nước ngọt ở bắc Bán Cầu," Bomfleur cho biết.
Ông nói thêm, tinh trùng có niên đại cao thứ hai, 40 triệu năm, được tìm thấy thuộc về một loài côn trùng, thường gọi là bọ đuôi bật. Hóa thạch này được tìm thấy ở Baltic. Tuy nhiên, hóa thạch tinh trùng sinh vật lâu đời nhất cho tới nay thuộc về một loài thực vật ở Scotland, có niên đại 410 triệu năm.
Phát hiện này có ý nghĩa rất lớn trong việc làm sáng tỏ các cây phả hệ của sâu và đỉa, do hóa thạch của các động vật thân mềm là rất hiếm, nhà địa sinh học người Đức, Renate Matzke-Karasz, thuộc Đại học Ludwig-Maximilian, cho biết.
"Tôi chắc rằng một cuộc tìm kiếm mở rộng về vấn đề này sẽ giúp tạo ra một cái nhìn rõ ràng hơn về sự tiến hóa của các loài động vật," cô nói. Nghiên cứu này công bố trên tạp chí khoa học Biology Letters hôm qua.
Nguyễn Thành Minh