Dự đoán của NASA về hoạt động của Mặt trời trong chu kỳ hoạt động thứ 24, cuối năm ngoái. Ảnh: NASA |
Nhóm chuyên gia Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU) khảo sát dữ liệu nhân khẩu học của 8.600 người (bao gồm nhóm người giàu và người nghèo), giai đoạn 1676-1878, cùng dữ liệu theo dõi hoạt động của Mặt Trời trong khoảng thời gian trên.
Theo kết quả nghiên cứu, những người sinh ra trong thời kỳ năng lượng mặt trời hoạt động tối đa có tuổi thọ ngắn hơn khoảng 5,2 năm so với người sinh ra trong thời kỳ năng lượng Mặt Trời hoạt động tối thiểu.
"Hoạt động của Mặt Trời tại thời điểm sinh làm giảm khả năng sống sót đến tuổi trưởng thành, do đó sẽ rút ngắn tuổi thọ trung bình", Phys.org báo cáo nghiên cứu cho hay.
Thời điểm chào đời vào giai đoạn Mặt Trời hoạt động cực điểm cũng giảm đáng kể khả năng sinh sản ở phụ nữ sinh ra trong nhóm nghèo. Tuy nhiên, điều này không đúng đối với nhóm phụ nữ giàu có hoặc đàn ông.
Các nhà khoa học giải thích rằng, hoạt động mạnh của Mặt Trời mang lượng bức xạ cực tím cao hơn tới Trái Đất. Tia cực tím làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bằng cách giảm lượng axit folic hoặc vitamin B9. Hai yếu tố này là "chìa khóa" giúp tế bào phân chia nhanh chóng và phát triển trong quá trình mang thai.
Mặt Trời có chu kỳ hoạt động kéo dài gần 11 năm. Thời gian hoạt động cực đại làm gia tăng sự xuất hiện của các vết đen, tai lửa Mặt Trời và những vụ phun trào nhật hoa. Nó có thể gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến, hư hỏng vệ tinh, ảnh hưởng đến hệ thống điện trên Trái Đất.
Mức độ hoạt động của Mặt Trời được biểu thị bằng số lượng các vết đen. Thời điểm hoạt động mạnh nhất là biểu hiện ở số lượng vết đen cao nhất (đỉnh của biểu đồ), hoạt động tối thiểu biểu hiện ở số lượng vết đen gần bằng 0. Ảnh: NASA |
Lê Hùng