hươu cao cổ màu trắng ở công viên quốc gia Tarangire, Gambia. Ảnh: Derek Lee. |
Omo là con hươu cao cổ 15 tháng tuổi mắc chứng thiếu sắc tố da (leucism) dẫn đến chỉ một số tế bào da có màu. Khác với chứng bạch tạng khiến loài vật có màu mắt đỏ và da trắng hoàn toàn, Omo chỉ có màu da nhợt nhạt.
Tiến sĩ Derek Lee, nhà sinh thái học kiêm sáng lập viên tổ chức Wild Nature Institute, phát hiện con hươu cao cổ lang thang trong công viên quốc gia Tarangire ở Tanzania cùng với cả đàn.
"Omo là con hươu cao cổ da nhợt duy nhất mà chúng tôi phát hiện, nhưng chúng tôi cũng quan sát thấy hiện tượng mất sắc tố da xảy ra ở linh dương nước, trâu rừng châu Phi và đà điểu tại Tarangire. Omo có vẻ rất hòa thuận với những con hươu cao cổ khác. Nó luôn ở cùng một nhóm hươu cao cổ bình thường và chúng dường như không để ý đến màu da khác biệt của Omo", Mirror hôm qua dẫn lời Lee.
"Omo đã 15 tháng tuổi. Nó vừa sống sót qua năm đầu tiên, thời gian nguy hiểm nhất đối với hươu cao cổ non do nguy cơ trở thành mồi săn của sư tử, báo đốm và linh cẩu. Cơ hội sống sót đến khi trưởng thành của nó khá cao, nhưng màu da có thể khiến Omo dễ bị những tay săn trộm nhắm đến", Lee cho biết.
Tổ chức Wild Nature Institute đang tiến hành dự án nghiên cứu hươu cao cổ lớn nhất từ trước đến nay, sử dụng những hoa văn đốm tự nhiên của loài vật để nhận dạng mỗi cá thể. Các nhân viên thuộc tổ chức đã ghi nhận hơn 2.100 con hươu cao cổ ở công viên quốc gia Tarangire.
Phương Hoa