Lò nung gốm hình rồng được khai quật ở tỉnh Giang Tây. Ảnh: CFP |
Theo Xinhua, lò nung gốm được khai quật ở làng Nanyao, Jingdezhen, phía đông tỉnh Giang Tây. Trước đây, nơi này từng được coi là trung tâm của ngành công nghiệp gốm sứ của trung quốc .
Ông Xu Changqing, giám đốc Viện Khảo cổ và Di tích văn hóa tỉnh Giang Tây, cho biết lò gốm được xác định có từ triều đại nhà đường (618-907). Với chiều dài 78,8 m, đây được coi là lò nung dài nhất từng được phát hiện cho đến nay.
Lò nung gốm mang cấu trúc của một lò nung hình rồng với một buồng dốc dài, đầu dốc là lò lửa lớn, đầu còn lại là ống khói. Đây là kiểu lò nung có hình dáng như một con rồng nằm duỗi thằng, lòng lò cao dần và rộng hơn về phía cuối đuôi, dọc hai bên thân được xây các mắt lò giống như vảy rồng để đưa nhiên liệu làm gốm. Phần dưới của lò có hình dáng như đuôi rồng, hình tròn và xây hướng lên cao với chức năng làm một ống khói.
Zhang Wenjiang, một thành viên của đoàn khảo cổ, cho hay họ cũng phát hiện hàng chục tấn dụng cụ làm gốm và nhiều mảnh vỡ gốm sứ.
Khu tàn tích ở làng Nanyao, trải dài một vùng rộng khoảng 1.000 m2, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1964. Tuy nhiên nơi này không được khai quật vì các điều kiện bảo tồn dành cho di tích khai quật lúc bấy giờ còn nhiều hạn chế.
Lò nung gốm hình rồng bắt đầu được nhóm khảo cổ tiến hành khai quật và nghiên cứu từ tháng 3 đến tháng 11.
Thùy Linh