con người luôn mong muốn có thể kiểm soát được thời tiết theo ý muốn. Ảnh: Future for all |
Theo Science Alert, con người thực hiện những điệu nhảy nghi lễ và cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa trong suốt hàng nghìn năm qua. Tuy nhiên, tất cả chúng đều không có hiệu quả mãi đến những năm 1930, khi nhiều cách tiếp cận mang tính khoa học hơn giúp kiểm soát thời tiết được mang ra thử nghiệm. Đến nay, Liên Hợp Quốc đã ban hành lệnh cấm sử dụng công nghệ điều khiển thời tiết trong chiến tranh.
Wilhelm Reich, nhà phân tâm học người Áo, là một trong những người đầu tiên cố gắng kiểm soát thời tiết bằng cách phát triển thiết bị cloudbuster vào năm 1951. Thiết bị cloudbuster có cấu trúc giống như chiếc gậy phát sáng, được thiết kế để hấp thụ 'orgone' – thuật ngữ giả khoa học chỉ loại lực sống (life-force) mà theo giả thuyết là nguyên nhân hình thành mây và mưa. Nhưng thật không may, chiếc gậy của ông không hoạt động.
Gần đây hơn, trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa hè 2008 tại Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc sử dụng một số biện pháp khá quyết liệt để đảm bảo không mưa trong buổi diễu hành.
Đối với lễ khai mạc vào ngày 8/8, Trung Quốc thông báo bắn 1.100 tên lửa lên bầu trời ở thủ đô Bắc Kinh. Chúng được trang bị các hóa chất đặc biệt, giúp ngăn chặn những trận mưa lớn. Xác suất xảy ra mưa trong ngày hôm đó là 50%, và trong khi không có mưa ở Bắc Kinh thì một trận mưa 100 mm đã xảy ra ở thành phố Bảo Bình ngay bên cạnh. Vậy các tên lửa thực sự có làm việc hay không? Đến nay chưa ai đưa ra bằng chứng khoa học xác minh vấn đề này.
"Gieo mây" là phương pháp có thể thay đổi lượng mưa hoặc kiểu mưa tùy ý bằng cách rải vào không khí các chất hóa học đặc biệt, chẳng hạn như chất làm ngưng tụ hơi nước hoặc hạt nhân băng để làm thay đổi quá trình vật lý của hiện tượng mưa. Trong những năm gần đây, phương pháp gieo mây được đầu tư nghiên cứu, và nó chuyển dần từ một lĩnh vực khoa học ngoài rìa trở thành chính thống.
Các chất hóa học sử dụng trong việc gieo mây chủ yếu bao gồm bạc iodua (AgI) và carbon dioxide đông lạnh. Chúng thường được rải trên đỉnh của những đám mây để làm tăng lượng mưa. Kỹ thuật gieo mây từng được Mỹ sử dụng trong những năm 1950. Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia cũng đang thử nghiệm kỹ thuật này.
Tuy nhiên, hiệu quả của kỹ thuật gieo mây vẫn là câu hỏi còn để ngỏ. Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ phát hành một báo cáo trong năm 2004 nói rằng, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy kỹ thuật gieo mây thực sự hoạt động.
Ngoài việc tạo và ngăn mưa, con người còn hướng tới mục tiêu to lớn hơn đó là điều khiển bão tố. Hiện nay đã có nhiều thử nghiệm trên toàn thế giới trong một nỗ lực làm suy yếu hoặc thay đổi đường đi của cơn bão hay lốc xoáy.
Năm 2007, bộ phim tài liệu "Làm thế nào để ngăn chặn cơn bão" tiết lộ một vài phương pháp điên rồ nhất mà các nhà khoa học đang cố gắng sử dụng, nhằm ngăn chặn các thảm họa tự nhiên. Robert Dickerson, nhà nghiên cứu vũ khí cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Bão Quốc gia Mỹ (NHC), cho rằng có thể làm thay đổi cơn bão bằng cách sử dụng xung laser cường độ cao. William Gray, chuyên gia khí tượng học cũng làm việc ở NHC, lại tin rằng việc đốt dầu khí trên các sà lan nằm trên đường đi của một cơn bão có thể khiến nó chậm lại.
Trong khi một số nhà khoa học tin tưởng con người đang tiến đến rất gần thời điểm có thể kiểm soát thời tiết theo ý muốn, nhưng trên thực tế chúng ta sẽ phải mất nhiều thập kỷ nữa để thực hiện điều này. Cho đến lúc đó, việc trước mắt con người cần phải làm là dự báo thời tiết thật chính xác.
Lê Hùng