Não khỉ có các mạch thần kinh đặc biệt để phát hiện rắn. Ảnh: photogalaxy.com |
Theo nhóm nghiên cứu, các tế bào não đặc biệt trong bộ não của các con khỉ macaque hay còn gọi là khỉ rhesus sẽ bị kích động khi rắn xuất hiện. Trong khi nếu gặp các loài sinh vật hoặc các vật thể khác, khu vực này trong não con khỉ không hề hoạt động.
Hai nhà nghiên cứu có tên Hisao Nishijo và Lê Văn Quân tại Đại học Toyama tiến hành nghiên cứu cơ chế hoạt động của não khỉ với cảm xúc sợ hãi và các cảm xúc khác, trong đó thực hiện các thí nghiệm gây cảm giác sợ hãi cho khỉ bằng cách sử dụng hình ảnh những con rắn.
Dựa trên những nghiên cứu về hành vi của khỉ trước đây, khi các con khỉ được nuôi trong phòng thí nghiệm, chưa từng tiếp xúc với rắn, có những phản ứng phòng vệ khi tiếp xúc với những con rắn mô hình; cùng với giả thuyết của giáo sư Isbell của Đại học California, Mỹ, nhóm nghiên cứu đã dùng các vi điện cực để ghi lại hoạt động của tế bào thần kinh thuộc hệ thần kinh thị giác. Kết quả cho thấy phản ứng thần kinh của khỉ với rắn nhanh hơn và mạnh hơn
Theo Nature World News, kết quả nghiên cứu cho thấy não khỉ có các mạch thần kinh đặc biệt để phát hiện rắn và các mạch thần kinh này đều được mã hóa di truyền.
Lynne Isbell, giáo sư nhân chủng học của Đại học California, Mỹ, cho biết linh trưởng được coi là loài động vật có tính xã hội cao, và vì vậy chúng có nhiều tế bào thần kinh nhạy cảm để nhận diện các khuôn mặt.
Trước đó, Lynne Isbell là người từng đưa ra giả thuyết về khả năng quan sát chính xác ở cự ly gần và tầm nhìn của loài linh trưởng được hình thành chủ yếu để phát hiện và tránh xa các loài rắn nguy hiểm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng các thí nghiệm đã chỉ ra sự phát triển tiến hóa về khả năng phát hiện rắn ở động vật linh trưởng, tổ tiên của loài người và ở cả con người.
Thùy Linh