cụm thiên hà SDSS J1038 + 4849 trông giống như một mặt cười khổng lồ. Ảnh: NASA/ESO |
Theo Live Science, cụm thiên hà có tên SDSS J1038+4849. Nó có hai chấm sáng trông giống đôi mắt, chiếc mũi chấm trắng, các đường cong ánh sáng tạo thành miệng và đường viền khuôn mặt .
Theo thuyết tương đối tổng quát của Einstein, vật thể khổng lồ thực sự có thể uốn cong không gian xung quanh chúng. Nếu ánh sáng truyền qua khu vực không gian này, nó sẽ chuyển hướng, khuếch đại hoặc bị biến dạng, giống như truyền qua một thấu kính. Trong trường hợp này, cụm thiên hà và các nguồn sáng xa xôi nằm thẳng hàng với kính thiên văn Hubble. Hai "mắt" rực sáng là hai thiên hà nằm cách xa nhau.
Cụm thiên hà là một trong những đối tượng lớn nhất trong vũ trụ , có thể tạo ra hiệu ứng thấu kính hấp dẫn. Hiện tượng thiên văn này xảy ra khi ánh sáng phát ra từ một vật thể bị lệch hướng trên đường đi, dưới tác dụng của lực hấp dẫn khi qua gần các thiên thể khác. Ánh sáng bị uốn cong do lực hấp dẫn xung quanh nó, tạo ra một vòng tròn giống hình mặt cười khổng lồ.
Giới thiên văn tìm kiếm dấu hiệu của thấu kính hấp dẫn để xác định các vật thể khổng lồ không nhìn thấy được như lỗ đen, cụm thiên hà hay vật chất tối.
Lê Hùng