cột sáng phát ra ngoài hố đen sau khi một ngôi sao bị nuốt. Ảnh: NASA |
Theo Independent, trong quá trình theo dõi một ngôi sao có kích thước tương đương mặt trời , các nhà khoa học nhận thấy nó bị kéo ra khỏi quỹ đạo quay, lao vào một hố đen siêu lớn rồi bị nuốt chửng, hồi tháng 12/2014.
Từ đó đến cuối tháng 11, nhóm tiếp tục quan sát và thấy một cột sáng bốc lên, thoát ra khỏi rìa hố đen. Đầu tiên các nhà khoa học loại trừ giả thuyết nguồn phát sáng là một đĩa vật chất được gọi là đĩa bồi thêm (accretion disk), hiện tượng thường gặp khi một ngôi sao mới bị nuốt. Sau đó, ánh sáng phát ra ngoài hố đen được nhóm nghiên cứu xác định là của ngôi sao mà nó đã hút vào.
Đây là hiện tượng được quan sát lần đầu tiên. Trước đây, giới khoa học chỉ biết đến hiện tượng hố đen tiêu diệt và nuốt chửng một ngôi sao, chứ chưa từng kết nối sự kiện cột sáng phát ra từ hố đen và ngôi sao bị nuốt chửng với nhau.
"Những sự kiện thế này rất hiếm khi xảy ra", Sjoert van Velzen, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết. "Đây là lần đầu tiên chúng tôi quan sát được tất cả mọi thứ, từ sự phá hủy của một ngôi sao tới sự phóng ra ngoài hố đen của một cột sáng hình nón sau đó. Chúng tôi đã theo dõi cột sáng này trong nhiều tháng. Các nỗ lực trước đây tìm kiếm nó đều không mang lại kết quả nào".
Nhóm nghiên cứu sử dụng kính thiên văn vô tuyến để tìm hiểu các hiệu ứng sau khi một ngôi sao bị phá hủy.
Hố đen siêu lớn được cho là tồn tại ở ngoài rìa các thiên hà khổng lồ. Cái đang được quan sát chỉ có kích thước gấp khoảng một triệu lần Mặt Trời, nhưng đủ để dễ dàng nuốt chửng một ngôi sao. Nó thuộc về một thiên hà cách Trái Đất khoảng 300 triệu năm ánh sáng.
"Hiện tượng hố đen hủy diệt sao rất phức tạp và khó hiểu", van Velzen nói. "Từ các quan sát, chúng tôi thấy rằng, vật chất của ngôi sao bị phá hủy có thể tự tạo thành một dòng chảy nhanh chóng. Đây là dữ liệu có giá trị trong việc xây dựng một lý thuyết giải thích các hiện tượng kiểu này".
Nguyễn Thành Minh