Con cá mái chèo dài 5,5 m được phát hiện ở California, Mỹ, hồi tháng 10/2013. Ảnh: Catalina Island Marine Institute |
Cá mái chèo khổng lồ (Regalecus glesne) được mô tả lần đầu tiên vào năm 1772, tuy nhiên rất hiếm bắt gặp vì chúng có thể sống ở độ sâu khoảng 1.000 m so với mặt nước biển. Theo các nhà khoa học, đây là loài cá xương dài nhất còn sống trên thế giới, với chiều dài có thể đạt được là 17 m và có thể nặng tới 270 kg.
Theo niềm tin truyền thống của người Nhật Bản, khi cá mái chèo xuất hiện nhiều, rất có thể một trận động đất sẽ xảy ra. Trong một số truyền thuyết cổ xưa ở đất nước này, sự xuất hiện của chúng là điềm báo trước động đất.
Trả lời phỏng vấn Live Science, nhà nghiên cứu Mark Benfield của Đại học bang Louisiana từng cho biết, trước trận động đất Tohoku và sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản, khoảng 20 con cá mái chèo bị mắc cạn trên bờ biển.
"Điều này có thể đúng về mặt lý thuyết, vì khi động đất xảy ra, áp lực trong các lớp đá có thể tạo ra điện tích tĩnh, khiến các ion tích điện được giải phóng trong nước", Independent dẫn lời Rachel Grant, chuyên gia sinh học động vật tại Đại học Anglia Ruskin, Cambridge, Anh, nói.
Quá trình trên sẽ kéo theo sự hình thành hydrogen peroxide, một hợp chất độc hại. Ion tích diện cũng có thể oxy hóa chất hữu cơ, hoặc giết chết cá hoặc buộc chúng phải rời vùng biển sâu và xuất hiện gần bề mặt. Một khả năng khác là trước động đất, khí carbon monoxide được giải phóng một lượng lớn, ảnh hưởng đến cá mái chèo và các loài sinh vật biển sâu.
Năm 2013, hiện tượng cá mái chèo xuất hiện liên tục từng được ghi nhận ở bang California, Mỹ. Grant nói rằng chưa có trận động đất nào xảy ra sau khi cá mái chèo xuất hiện, nhưng các chuyên gia vẫn xem xét khả năng này. Cá mái chèo trôi dạt bờ biển có thể do hoạt động địa chấn, nhưng cũng không loại trừ các yếu tố không liên quan đến động đất như hạ âm sinh ra từ hoạt động của tàu ngầm quân sự, hay ô nhiễm môi trường nước.
Grant nhận định truyền thuyết ở Nhật Bản là một trong nhiều trường hợp tương tự liên quan đến hành vi khác thường của động vật trước động đất. Đây là một trong những cách từng được sử dụng để dự đoán thảm họa.
Theo chuyên gia địa chấn Kiyoshi Wadatsumi, cá sống ở gần đáy biển thường nhạy cảm với các chuyển động của các đường đứt gãy hơn so với những loài sống gần bề mặt. Nhưng việc phát hiện cá mái chèo trong lưới đánh cá hay trên bờ biển ở Nhật Bản hồi năm 2010 dường như không liên quan trực tiếp đến động đất.
Anh Hoàng