Chiếc máy bay không người lái có nhiệm vụ chụp lại hình ảnh tây nguyên từ trên cao. Ảnh: Vietnam+ |
6 chiếc máy bay không người lái của Viện Công nghệ không gian Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa đưa vào bay thử nghiệm, phục vụ chương trình “Tây Nguyên 3” (chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên - PV) tại đà lạt , Lâm Đồng. Đây là bước thử nghiệm tiếp theo sau khi máy bay không người lái bay thử nghiệm thành công ngày 3/5, tại Hà Nội.
Đúng 9h05, máy bay AV.UAV.S2 mang theo camera, máy ảnh chuyên dụng và thiết bị đo phổ kế phản xạ chính thức bay trên bầu trời Tây Nguyên. Chiếc máy bay này sẽ thực hiện ghi hình, chụp ảnh và đo phổ các đối tượng tự nhiên trên mặt đất để chuẩn hóa số liệu ảnh viễn thám thu được từ vệ tinh.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng, chủ nhiệm đề tài cho biết, những dữ liệu hình ảnh chất lượng đầu tiên được truyền thời gian thực về trung tâm xử lý ảnh mặt đất. Máy ảnh chuyên dụng có độ phân giải trên 20 megapixel, tốc độ chụp 5 ảnh/giây được đặt chế độ chụp tự động đặc tả vùng rừng, thảm thực vật, mặt nước theo đúng hành trình mà máy bay tác nghiệp.
Đặc biệt, máy đo phổ kế phản xạ đã được tối ưu hóa có kích thước nhỏ gọn phù hợp cho việc lắp đặt trên máy bay không người lái AV.UAV.S2. Nhờ đó, các thiết bị này đã triển khai hàng loạt các phép đo, thu thập, xây dựng nguồn thư viện dữ liệu phổ phục vụ khoa học viễn thám thuộc chương trình “Tây Nguyên 3” và các chương trình nghiên cứu khoa học ứng dụng khác.
6 chiếc máy bay sẽ liên tục bay trong từ 17-19/05 tại Lâm Đồng để ghi lại hình ảnh động về hiện trạng tài nguyên rừng, mặt nước tại đây, với khoảng hơn 10.000 bức ảnh chụp độ phân giải cao tại các tọa độ được định trước. Những tấm ảnh này đối chiếu với kết quả thu được từ vệ tinh viễn thám giúp giới khoa học có đủ số liệu tin cậy, bổ sung cho quá trình nghiên cứu, tính toán và dự báo trong các chuyên đề.
Ông Lãng cũng cho hay, quá trình thử nghiệm cũng giúp nhóm đề tài của Viện Công nghệ không gian có thêm điều kiện đánh giá lại độ ổn định của máy bay không người lái đã chế tạo và khả năng thích nghi của những tổ hợp máy bay này trong môi trường ở Lâm Đồng.
Thêm vào đó, các máy bay cũng phải trải nghiệm trong môi trường bay rất khắc nghiệt, mây dày đặc, nhiều sấm sét, gió xoáy, gió lốc, gió “thăng,” “giáng” tại Đà Lạt. Đến nay, các máy bay đều hoạt động hiệu quả, chưa có bất kỳ sự trục trặc kỹ thuật nào trong quá trình thử nghiệm.
Theo Vietnam+