Robot curiosity di chuyển trên sao Hỏa. Ảnh: Reuters/NASA. |
Để kỷ niệm sự kiện này, Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của Cơ quan Vũ trụ và Hàng không Mỹ (NASA) công bố một video với những hình ảnh lấy từ ống kính đặt dưới bộ khung của Curiosity, Nature World News cho biết.
Video thể hiện những thứ mà Curiosity thấy một năm qua trong hai phút ngắn ngủi. Được tạo từ 548 hình ảnh, video cho người xem thấy những cảnh thú vị về việc lấy mẫu đất do robot thực hiện cùng các cảnh quan trên sao Hỏa, cảnh mặt trời mọc và lặn dưới chiếc bóng của robot.
Một năm qua, những hoạt động của Curiosity trên hành tinh đỏ luôn thu hút được sự chú ý từ nhiều nơi trên thế giới. Việc hạ cánh trên sao hỏa vào năm trước, cập nhật trạng thái dí dỏm của Curiosity trên mạng xã hội và những hình ảnh về cảnh quan sao Hỏa khiến thiết bị trở nên nổi tiếng và thu hút lượng lớn người quan tâm.
Trải qua một năm, Curiosity đã gửi về cho các nhà khoa học hơn 190 Gb dữ liệu và 70.000 hình ảnh về trái đất. Nhiệm vụ chủ yếu của Curiosity trên hành tinh đỏ là tìm những dấu hiệu của các dòng chảy cổ, và bằng chứng về sự sống trong quá khứ nhằm hỗ trợ sự sống của vi sinh vật.
Ông John Grotzinger, một nhà khoa học trong dự án tuyên bố, sao Hỏa từng có các điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của vi sinh vật vào hàng tỷ năm trước. Giới khoa học hy vọng khu vực quanh núi Sharp sẽ có điều kiện môi trường thuận lợi cho sự sống phát triển.
Curiosity là robot tự hành thứ 4 được tạo ra để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu sao Hỏa. Chi phí để chế tạo robot nặng gần một tấn này là gần 2,5 tỷ USD. Thiết bị này được phóng vào vũ trụ vào tháng 11/2011 tại căn cứ Canaveral, Florida và phải mất tám tháng rưỡi nó mới đến được hành tinh đỏ với quãng đường dài 566 triệu km.
Video Curiosity thám hiểm sao Hỏa trong năm qua (Nguồn : NASA)
NASA từng đưa ba robot tự hành lên sao Hỏa, song Curiosity là cỗ máy to và phức tạp hơn nhiều so với ba robot kia. Chỉ riêng thiết bị lớn nhất của Curiosity đã có khối lượng gấp 4 lần robot đầu tiên bay lên sao Hỏa vào năm 1997.
Đức Huy