Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) nhìn từ tàu con thoi Endeavour. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, thông báo được Phó Thủ tướng nga Dmitry Rogozin, người đứng đầu ngành công nghiệp quốc phòng nước này, đưa ra hôm 13/5. Theo đó, Nga sẽ không cho phép phi hành gia mỹ sử dụng ISS từ sau năm 2020, đồng thời cắt đứt hoạt động cung cấp động cơ tên lửa do Nga chế tạo để phục vụ cho mục đích phóng vệ tinh quân sự .
"Chúng tôi sẵn sàng cung cấp những động cơ này, nhưng trừ một điều kiện, đó là chúng không được sử dụng để phóng vệ tinh quân sự", Rogozin cho hay.
Tuyên bố của Nga được đưa ra sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với các đồng minh của Tổng thống Vladimir Putin, trong đó có Rogozin, vì cho rằng Nga can thiệp của Nga trong vấn đề Ukraine. Mỹ cũng tuyên bố từ chối cấp giấy phép xuất khẩu cho các sản phẩm công nghệ cao có thể hỗ trợ cho lĩnh vực quân sự của Nga. Trước động thái này, Nga cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ là không thích đáng.
Rogozin cho biết Nga đang có những thay đổi và bước tiến mới đối với ngành công nghiệp không gian từ sau năm 2020, đồng thời sẽ đầu tư nguồn lực và kinh phí để thực hiện một dự án với nhiều triển vọng mới. Theo ông, Nga có thể sử dụng và nghiên cứu ISS mà không cần sự hợp tác từ phía Mỹ.
Nga là quốc gia đóng vai trò chủ chốt tại ISS với sự tham gia cả về nhân lực và công nghệ. Theo kế hoạch, Mỹ muốn sử dụng ISS cho đến ít nhất là năm 2024. Tuy nhiên, tàu vũ trụ Soyuz của Nga là phương tiện duy nhất đưa phi hành gia Mỹ lên trạm nghiên cứu. Các hoạt động nghiên cứu của Cơ quan Vũ trụ Hàng không Mỹ (NASA) hiện nay được thực hiện nhằm khôi phục phương tiện di chuyển lên ISS vào năm 2017.
Thùy Linh