Một trong số hàng nghìn bức tranh của Richard Wawro. |
Bạn chỉ cần nêu tên một nốt nhạc, Pauline sẽ xướng âm mấy nốt ấy chính xác như một nhạc cụ hoàn hảo. Chỉ cần nghe qua một lần hợp âm được thể hiện bởi piano, Pauline sẽ nêu tên các nốt nhạc tạo nên hợp âm ấy. Từ khi còn bé, Pauline đã sớm bộc lộ năng khiếu hiếm thấy này, điều mà mọi nhạc sĩ thường mơ ước, tức là có tai nhạc tuyệt đối. Tuy vậy, cô bé chưa bao giờ theo học một lớp nhạc nào.
Liệu có mấy người có khả năng liệt kê danh sách tất cả các loài dơi, cùng với tên khoa học và những đặc điểm của chúng, mà chưa hề đọc đến những loại tài liệu này? Thế mà với em Esperance, 7 tuổi, việc ấy chỉ là một trò trẻ con! Cô bé này còn biết tên các loài chim, côn trùng và một số loài vật khác. Lúc lên 5, cô bé đã vẽ loài vật một cách sinh động. Chỉ cần một lần nhìn qua, Esperance có thể vẽ phác bất kỳ con vật nào.
Ở tuổi 12, Denis bộc lộ một khả năng lạ: như một quyển lịch sống. Hỏi em ngày 15/2/1982 là ngày thứ mấy trong tuần, hay tháng nào thuộc năm nào trong 20 năm qua, em sẽ trả lời ngay như được lập trình sẵn trong óc.
Khó thể phủ nhận các trẻ nói trên là những thần đồng, nhưng điều đáng nói ở đây: những em ấy đều mắc chứng tự kỷ, nói chính xác hơn là những người tự kỷ thông thái. Chứng rối loạn tâm thần này khiến người bệnh trở nên trơ trơ, không quan tâm đến cuộc sống chung quanh, phát triển cao độ đời sống nội tâm, tự khép kín. Với họ, người khác không hiện diện. Do vậy, họ chậm nói hay không nói, rối loạn ngôn ngữ, khó đọc...
Nhưng trái với định kiến, không phải trẻ tự kỷ nào cũng chậm phát triển tâm thần, giam mình trong sự thinh lặng hết cách cứu chữa. Một số người không bao giờ mở miệng nói, nhưng một số khác (như những người mắc hội chứng Asperger) lại diễn đạt hay và đôi khi tỏ ra khôn trước tuổi.
Người tự kỷ thường có trung tâm chú ý hạn chế, cử động kém kiểm soát và một sự cố nhỏ bất kỳ cũng có thể gây cho họ stress nặng nề. Chẳng hạn một nốt nhạc lạc điệu hoặc tác dụng Larsen (gây tiếng rít) của một micro khiến Pauline lên cơn: em bịt tai và đập đầu vào tường. Còn Esperance hiện vẫn chưa biết gài nút áo hay ăn đúng cách ở bàn, em học đọc khó khăn. Denis giỏi về tính ngày tháng là thế, lại chỉ hiểu một số lệnh đơn giản của cuộc sống hằng ngày.
Lạ thay, gần 10% những người tự kỷ có những khả năng phi thường trong một lĩnh vực, có thể gọi là nhà bác học, mà không thấy mối quan hệ rõ rệt với trình độ thông minh hay mức độ trầm trọng của rối loạn. Pauline Esperance và Denis nằm trong số này. Khoảng 30% những người tự kỷ bị chậm phát triển, số còn lại có chỉ số thông minh IQ trung bình hoặc trên mức trung bình.
Có một số giả thuyết về khả năng đặc biệt của những người tự kỷ. Giả thuyết đầu tiên cho rằng bán cầu não phải của họ rất phát triển, còn bán cầu não trái bị còi cọc đi. Ý tưởng xem ra khá logic: não phải kiểm soát sự phân tích các hình dạng trong không gian, trí nhớ âm thanh và sự hiểu biết âm nhạc. Đó là những khả năng nổi trội nơi những người tự kỷ thông thái. Não trái kiểm soát sự diễn đạt, thông hiểu ngôn ngữ và trí nhớ cảm xúc, là những nhược điểm nơi những người này.
Năm 1998, nhà nghiên cứu người Mỹ Bruce L. Miller thuộc Đại học California ở San Francisco, người ủng hộ giả thuyết trên, thực hiện một nghiên cứu trên nhiều bệnh nhân cao tuổi mắc một chứng bệnh làm suy giảm các chức năng trí tuệ. Cùng lúc nơi họ đột nhiên xuất hiện những năng khiếu nghệ thuật chưa hề được biểu lộ trước đó. Một số người chưa bao giờ cầm cọ lại có thể sao chép tài tình tranh của các danh họa. Còn những người khác thể hiện những khả năng âm nhạc bất ngờ. Bruce Miller quyết định dùng một camera positon để kiểm tra những gì diễn ra trong đầu của các bệnh nhân này. Ảnh não cho thấy một luồng máu chảy thấp hơn mức bình thường ở thùy thái dương trái. Mà vùng này của vỏ não kiểm soát các cơ cấu của trí nhớ và cảm xúc. Vài tháng sau đó, một nhóm người tự kỷ thông thái cũng trải qua xét nghiệm tương tự, cho thấy có đặc điểm giống như trên.
Tuy vậy, một số chuyên viên nhìn sự tương cận ngẫu nhiên ấy theo một hướng khác. Về những vùng phát triển mạnh nơi vỏ não của những người tự kỷ thông thái ấy, phải chăng một hoạt động cật lực đã khiến những vùng phình ra? Giả thuyết này nhận được sự đồng tình rộng rãi vì não của chúng ta có xu hướng trở nên "sành sỏi" trong một lĩnh vực khi được khai thác mạnh về mặt đó. Không cần phải là người tự kỷ hay người có năng khiếu, những đại kỳ thủ có khả năng "nhìn bằng óc" hàng nghìn vị trí của các quân cờ, giúp họ nhận biết trước sự tiến triển của một ván cờ. Theo nhà tâm lý người Mỹ Michel Howe, vấn đề ở đây là do sự luyện tập cật lực mà ra. Sống khép kín, những người tự kỷ có thể đã nghiền ngẫm một lĩnh vực nào đó và lặp đi lặp lại công việc trong một thời gian dài. Có thể như vậy họ phát triển những khả năng đặc biệt.
Nhưng phải giải thích sao đây đối với những trường hợp phát triển ngoạn mục năng lực trong một lĩnh vực mà họ hoàn toàn không được rèn luyện? Như trường hợp cô bé Nadia, người Ukraina, 3 tuổi vẫn chưa biết nói, nhưng vẽ ngựa với vẻ đẹp sinh động khó ngờ. Cặp song sinh Charles và George, tính nhanh và chính xác như một máy tính. Họ không thể giải thích nhờ đâu họ tài tình đến thế: "Chúng tôi không đếm, chúng tôi nhìn". Temple Grandin, một nữ bệnh nhân tự kỷ người Mỹ, nổi tiếng với những bức vẽ kỹ thuật. Với bút chì, cô vẽ lại tức khắc những hình vẽ mà cô quan sát cách chúng hình thành. Não của cô giống như một chiếc máy chụp ảnh. Những người tự kỷ có trí nhớ phi thường ấy nhờ đâu?
Theo chuyên viên thần kinh tâm lý người Canada, Sylvie Belleville, hiện tượng trên liên quan đến "trí nhớ bề mặt" của người tự kỷ. Tức là họ ghi nhớ các từ không theo nghĩa mà theo âm vang. Người tự kỷ xếp từ "phô tơi" trong nhóm từ tận cùng bằng âm "ơi", chứ không xếp trong loại "ghế". Cách giải thích này được sự đồng tình của Laurent Mottron, bác sĩ tâm thần chuyên về tự kỷ thuộc bệnh viện Riviere-des-Prairies ở Montreal: "Đặc điểm này có lẽ do nhận thức về thính giác và thị giác đặc biệt ở một số người tự kỷ. Các nghiên cứu của ông cho thấy những người tự kỷ đạt thành công cao hơn mức trung bình trong nhận biết tần số của một sóng âm thanh (chẳng hạn cao độ của một nốt) hay phân biệt hai tần số rất gần nhau. Họ cũng dễ dàng nhận ra sự biến đổi trường độ của một nốt, dù thay đổi này không làm thay đổi hình thức của giai điệu. Họ cũng dễ dàng nhận ra một yếu tố khác biệt trong danh sách những vật giống nhau (chẳng hạn chữ D trong danh sách dãy chữ O). Công việc này xem ra phức tạp và khó khăn hơn đối với những người không tự kỷ. Vì não của chúng ta quan tâm đến việc 2 vật có thuộc cùng một loại hay không, còn sự chú ý của người tự kỷ thì tập trung trên các chi tiết hơn là một nhận thức toàn thể. Như trường hợp Richard Wawro, 52 tuổi, người Scotland, chậm phát triển tâm thần, nhưng ông vẫn là một họa sĩ kỳ tài nhờ óc quan sát và trí nhớ phi thường. Ông có thể vẽ lại tài tình một cảnh chỉ ngắm một lần. Ông đã bán được hàng nghìn tranh.
Bí ẩn về những người tự kỷ thông thái hẳn còn lâu mới có thể khám phá hết. Dù sao đi nữa, có những khả năng đặc biệt phải chăng cũng là một cách để hướng về người khác, để thông đạt? Cô bé Nadia nói đến ở trên vẽ những chú ngựa tuyệt đẹp vào lúc cô bé chưa biết nói. Nhưng đến 10 tuổi, nói rành rẽ, cô mất năng khiếu này. Một tình tiết thú vị cuối cùng: có người từng đặt câu hỏi "Liệu Einstein có phải là người tự kỷ?" Câu hỏi xem ra có vẻ sỗ sàng. Tuy vậy đó là giả thuyết của một chuyên viên, Simon Baron-Cohen, thuộc ĐH Cambridge. Theo ông, Einstein có thể mắc một dạng bệnh tự kỷ nhẹ: hội chứng Asperger. Rối loạn này không cản trở ông trong việc lập gia đình, có bạn bè thân thiết hoặc có những tranh luận xuất sắc. Nhưng có một số dấu hiệu đáng lưu ý. Nhà bác học này biết nói muộn, lúc 3 tuổi. Lúc nhỏ là đứa bé cô độc, nhút nhát, không kham nổi việc học ở trường, lúc nào cũng thích làm việc một mình và nghiền ngẫm đến cùng những chủ đề mà cậu chú ý. Cậu cũng hay lặp đi lặp lại các câu như bị ám ảnh. Einstein thích các khám phá của ông được thể hiện bằng hình ảnh. Giả thuyết này đúng hay không, khó có thể biết chắc, nhưng ý tưởng một người tự kỷ có thể trở thành một thiên tài được thế giới công nhận là một thông điệp đầy hy vọng.
Kiến thức ngày nay (theo Science & Vie)