Tim Friede và con rắn độc nuôi trong nhà. Ảnh: Hotspot Media |
Để có thể miễn dịch với nọc độc rắn, Friede nuôi 15 con rắn ở căn hầm trong nhà và tự tiêm một loại protein có nọc độc rắn pha loãng.
Nhờ khả năng miễn dịch với nọc độc rắn, trong nhiều năm qua Tim Friede sống tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin, Mỹ, vẫn sống khỏe mạnh dù bị nhiều con rắn độc cắn hơn 100 lần.
Các kiểm tra với Friede cho thấy mức độ đề kháng IgG trong cơ thể anh cao đến mức có thể trung hòa được nọc độc rắn trong máu. Friede cho biết có nhiều phản ứng phụ tích cực khác xuất hiện kể từ khi tiếp xúc với nọc độc rắn, nhờ đó rất hiếm khi anh gặp bệnh tật và cũng không bị dị ứng như khi còn trẻ.
Trong những năm đầu nghiên cứu, Friede cho hai con rắn hổ mang cắn và rơi vào trạng thái hôn mê, tuy nhiên vẫn sống sót. Đến nay, các loài rắn mà Friede tự cho cắn vào tay gồm nhiều loài rắn độc như rắn chuông hay rắn mamba đen châu Phi.
Thông thường, nọc độc của một con rắn đen mamba có thể giết chết một người trong 20 phút. Friede hi vọng việc anh phát triển khả năng đề kháng với nọc độc rắn có thể tạo ra một loại văcxin cho những người chết vì rắn cắn mỗi năm.
Friede không phải là người đầu tiên tự để rắn cắn để miễn dịch với nọc độc. Trước đó, một người đàn ông 43 tuổi có tên là Steve Ludwin từng tự tạo khả năng miễn dịch với các nọc độc rắn chết người bằng cách thường xuyên tiêm nọc độc rắn vào cơ thể. Bill Haast, người điều hành một công viên bò sát ở Florida, chết ở tuổi 100 sau khi tự tiêm nọc độc rắn.
Mỗi năm, trung bình có khoảng 100.000 người chết và 250.000 người tàn tật vĩnh viễn vì rắn cắn.
Thùy Linh