phi hành gia Noichi Noguchi. Ảnh: Thu Trang. |
Phi hành gia Noichi Noguchi đến Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Đây là lần thứ hai ông tới Việt Nam.
Noichi Noguchi có khoảng ba giờ đồng hồ hôm qua để nói chuyện với các bạn trẻ ở trường quay Đài truyền hình Việt Nam. Buổi chiều, ông dành hai giờ đồng hồ thuyết trình với sinh viên của trường đại học công nghệ , Đại học Quốc gia hà nội .
Tại hai buổi nói chuyện, Noguchi đã nói chuyện với giới trẻ Việt Nam về chặng đường hai lần vào vũ trụ của ông, khó khăn và kỷ niệm vui về những lần ông cùng đồng nghiệp ra ngoài trái đất, và làm việc trong không gian. Ông cho biết, ngoài những buổi làm thí nghiệm khoa học, ông cùng đồng nghiệp trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) đã có thời gian vui chơi, cùng nhau hát hò tạo không khí vui vẻ. Trong môi trường không trọng lượng, bơi theo thức ăn trôi mà không dùng đến tay trở thành trò chơi rất vui của Noguchi và đồng nghiệp.
Ông nhớ lần thứ hai vào vũ trụ, ông còn được bạn bạn bè tổ chức tiệc mừng sinh nhật, và đón năm mới trên trạm không gian. "Chúng tôi hóa trang thành ông già Noel mang thực phẩm đến trạm vũ trụ tiếp tế cho đồng nghiệp", Noguchi nhớ lại.
Noguchi không thể quên buổi làm việc đầu tiên trên ISS, cũng là lần đầu ông được ngắm trái đất. "Trái đất thật lung linh, giống như vật thể sống động. Lúc đó, tôi rất vui và xúc động". Ông cho biết, ông rất thích ngắm nhìn ngọn núi Phú Sĩ từ vũ trụ. "Nhìn thấy núi Phú Sĩ, tôi thật hạnh phúc vì nghĩ rằng: À, thì ra đây là nơi mình sinh ra, tôi cảm nhận rõ hơn ai hết khi đứng trên đất nước của mình".
Sau khi nghe nhà du hành người nhật bản chia sẻ, các bạn trẻ Việt Nam đã đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó chủ yếu thắc mắc với mong muốn làm thế nào để trở thành phi hành gia.
Nhiều người Việt Nam bất ngờ và thích thú khi Noguchi đưa ra cách giải đáp cho câu hỏi trên bằng hình ảnh bát phở của Việt Nam, một món ăn mà ông rất thích. "Phở Việt Nam rất ngon, để làm ra nó cần có nhiều nguyên liệu, mà không phải ai cũng biết, nhưng nếu có mệnh lệnh, chắc chắn mọi người phải tự phán đoán, suy nghĩ và ứng phó tìm ra cách làm bát phở ngon".
Ông cho rằng, để nấu được ngon, mỗi người cần có cách chế biến riêng và khả năng thích nghi cũng do từng cá nhân. Cũng như vậy, phi hành gia không phải ai cũng giỏi, xuất sắc, mà cần có tính thích ứng trong mọi điều kiện.
Yếu tố thứ hai theo Noichi Noguchi, người đó phải có tri thức, biết tiếng Anh và tiếng Nga; thêm vào đó, các bạn trẻ có thể học thêm kinh nghiệm từ nhà du hành Phạm Tuân. Thứ ba, giới trẻ cần có là kỹ năng điều hành vận hành robot trong không gian.
Noichi Noguchi cho rằng, muốn là phi hành gia, các bạn trẻ cần có cách quan sát tình huống diễn ra xung quanh, nhận định và phân tích, xử lý tình huống đó trong thời gian ngắn nhất. "Tàu bay về trái đất bình thường thì không sao, nhưng nếu không may rơi vào núi hay hoang mạc thì 2,3 ngày sau đội cứu hộ mới tới kịp. Những ngày đó, các phi hành gia biết cách đối phó với khó khăn", Noguchi dẫn chứng.
Bên cạnh đó, để trở thành phi hành gia, Noguchi cho hay, các bạn trẻ cần phải biết làm việc hài hòa theo nhóm. "Trên trạm vũ trụ không chỉ có người Nhật, mà còn có các đồng nghiệp từ nước khác, vì vậy việc hiểu văn hóa, làm việc cùng nhau là điều không dễ", Noichi Noguchi nói.
Noguchi cho rằng, sau khi trở về trái đất, phi hành gia đó phải giúp người khác hiểu được thành quả của mình đã làm.
"Thực hiện 6 yếu tố trên, chắc chắn các bạn sẽ trở thành phi hành gia làm việc trong điều kiện khắc nghiệt nhất bên ngoài trái đất, và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao", Noguchi nói.
Trong trò chơi của một bài luyện tập khi vào vũ trụ, Noichi Noguchi yêu cầu một bạn nữ đi về phía trước sau khi ngồi trên ghế xoay 360 độ. Ảnh: Thu Trang. |
Muốn có 6 yếu tố trên, các bạn trẻ phải trải qua quá trình luyện tập rất vất vả, khó khăn nhất theo phi hành gia Noguchi là khi tập trên vòng quay liên tục, khi đó khiến đầu óc con người quay cuồng. Bài tập này là giúp phi hành gia thích ứng khi trong môi trường không trọng lượng.
Để các bạn trẻ cảm nhận gian khổ trong bài tập, Noguchi mời 4 sinh viên tham gia luyện tập dưới sự hướng dẫn của ông. Ban đầu, 4 bạn trẻ phải giơ một chân lên, hai tay sang ngang và giữ thăng bằng. Tiếp đó, một bạn làm tốt nhất sẽ được chọn ra ngồi trên cái ghế và quay trong vài phút. Khi đứng dậy, người đó phải bước đi điềm tĩnh tới vị trí định sẵn. Bạn trẻ nào sau khi ngồi ghế quay mà không bị chóng mặt, đứng vững thì khả năng lớn sẽ trở phi hành gia.
Tuy nhiên, các bạn trẻ hầu như không ai vượt qua phần thi này vì sau khi ngồi trên ghế xoay 360 độ, họ đều cảm thấy chóng mặt và bước đi như sắp ngã. "Để vào vũ trụ mỗi người đều trải qua nhiều bài rèn luyện gian khổ. Tôi phải tập luyện 9 năm để vào vũ trụ trong 8 phút", Noguchi nói.
Tò mò về chuyến bay lần thứ hai vào vũ trụ của ông Nogouchi, một bạn trẻ đặt câu hỏi về cảm giác của ông khi chuyến bay diễn ra sau thảm kịch của tàu con thoi Columbia khiến một số phi hành gia thiệt mạng. Noguchi trả lời: "Tôi và các đồng nghiệp rất sốc khi nghe thông tin đó. Nhưng tôi nghĩ các con tôi sẽ tự hào và hạnh diện nếu bố chúng dù biết vụ tai nạn kia vẫn bay vào không gian. Đó chính là động lực giúp tôi tiếp tục vào vũ trụ".
Phi hành gia người Nhật hy vọng Việt Nam sẽ sớm tìm được người thứ hai tiếp bước anh hùng Phạm Tuân vào vũ trụ. "Tôi mong có ngày được làm việc với bạn trẻ Việt Nam. Các em hãy cố gắng vào vũ trụ ngắm nhìn trái đất và tự hào về nơi mình sinh ra".
Chuyến thăm của Noguchi trùng với dịp Trung tướng Phạm Tuân đang triển khai Chương trình "Đi tìm người Việt Nam thứ hai bay vào vũ trụ". Sau 3 vòng tuyển chọn, bắt đầu từ 15/4, Ban tổ chức Axe sẽ chọn ra một đại diện xuất sắc của Việt Nam sang tập huấn tại Trại Huấn luyện không gian toàn cầu Axe và bay vào vũ trụ.
Noguchi sinh 15/4/1965 tại Kanagawa, Nhật Bản. Hiện ông làm việc tại Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
Qua hai lần bay trên tàu STS-14 và tàu IS Expedition 18, ông được ghi nhận là người có thời gian lâu nhất trong vũ trụ trong lịch sử bay vào vũ trụ của người Nhật Bản, với 177 ngày 3 giờ 5 phút bay. Chuyến du hành trên phi thuyền ISS Expediton 18 cũng được ghi nhận trong lịch sử Hàng không vũ trụ Nhật, vì đây là lần đầu tiên cùng một thời điểm hai tàu vũ trụ gặp nhau và làm việc trong không gian.
Xem ảnh Noichi Noguchi chụp trái đất |
Hương Thu