Dự án đập Xayaburi tạm hoãn sau khi các nước thuộc Ủy hội sông Mekong thống nhất đưa lên cấp Bộ giải quyết hôm 19/4. Nhưng nhà thầu xây dựng lớn thứ 2 ở Thái Lan - Ch Karnchang (CK) vẫn mong có thể tiếp tục công việc dang dở của họ tại khu vực xây dựng đập Xayaburi trong thời gian ngắn tới.
Nhà thầu CK hy vọng, họ sẽ ký được hợp đồng mua bán điện từ dự án trị giá 110 tỷ baht này của Chính phủ Lào trong vòng 30 ngày tới.
Một phóng sự điều tra của Thái Lan nói rằng Lào đã bắt đầu làm đường dẫn tới khu vực định đặt đập thủy điện Xayaburi từ cách đây 5 tháng. Ảnh: Bangkokpost. |
Tờ BangkokPost trích lời giám đốc điều hành CK, Plew Trivisvavet cho biết, Chính phủ Lào đã quyết định xây đập Xayaburi. "Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được thông báo chính thức từ Chính phủ Lào trong vòng 1-2 tuần tới", ông Plew Trivisvavet, nói tại cuộc họp thường niên của công ty cuối tuần trước.
Ủy hội sông Mekong (MRC) đã bày tỏ quan ngại về tác động môi trường có thể xảy ra từ dự án Xayaburi, nhưng thừa nhận rằng quyết định cuối cùng vẫn do Lào.
Trong khi đó, giới quan chức Lào trong cuộc họp với MRC thừa nhận có trao đổi về vấn đề này với CK và công ty này khẳng định vấn đề môi trường đã được họ tính tới trong quá trình thiết kế con đập.
"Chúng tôi đang hướng tới việc ký kết hợp đồng mua bán điện và hợp đồng xây dựng trị giá 76 tỷ baht, cũng như các khoản thỏa thuận vay ngân hàng để tài trợ cho dự án, trong vòng 30 ngày tới", ông Plew phát biểu.
Ông Plew thừa nhận, công trình xây dựng tuyến đường bộ tại khu vực xây đập, nằm cách Luang Prabang 80km, đã được khởi công. Ông này nói thêm rằng, CK sẽ xây dựng một thị trấn mới cho người dân trong khu vực phải di tản, trong đó có trường học và bệnh viện.
Vị đại diện nhà thầu khẳng định, dự án sẽ trích 8 tỷ baht để phục vụ các hoạt động giảm thiểu tác động tới môi trường do đập gây nên, đồng thời sẽ trả khoảng 1 tỷ baht cho 424 hộ gia đình buộc phải dời đi.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan Wannarat Wannarat Charnnukul nói rằng, Thái Lan sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch mua điện từ dự án Xayaburi.
Vị trí dự án thủy điện Xayaburi trong tiểu vùng Mekong. Đồ họa: NYT. |
Người Thái cũng phản đối
BangkokPost hôm 22/4 dẫn lời Nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ Watchara Phethong cho biết Ủy ban về vấn đề phát triển chính trị, truyền thông đại chúng và sự tham gia của công chúng, thuộc Quốc hội Thái Lan, đã lên tiếng phản đối dự án xây dựng đập thủy điện Xayaburi, do đập này sẽ tác động tiêu cực đến cư dân và môi trường dọc hai bờ sông Mekong.
Một số thành viên khác trong Ủy ban kêu gọi Thái Lan yêu cầu Lào hủy bỏ dự án xây dựng đập Xayaburi và giải thích rõ với công chúng.
Ủy ban trên muốn Chính phủ Thái Lan trình kế hoạch mua điện từ dự án đó để các nghị sỹ xem xét, đồng thời sẽ điều tra vai trò của Ngân hàng Krung Thai trong việc cấp vốn vay cho nhà thầu CK.
Hôm 19/4, người dân 8 tỉnh Thái Lan đã ký và đơn thỉnh cầu gửi tới bà Sripapha Phetmeesri ở Ủy ban liên chính phủ Asean (AICHR) về vấn đề nhân quyền để phản đối xây đập Xayaburi.
Người dân cho rằng, nếu dự án Xayaburi giá trị 3,5 tỷ USD được xây dựng sẽ tác động tới 8 tỉnh đông bắc Thái lan nằm dọc sông Mekong.
Bà Sripapha Phetmeesri nói rằng AICHR không có quyền trực tiếp xem xét vấn đề vi phạm nhân quyền của bất kỳ công ty nào thuộc các nước Đông Nam Á.
Nhưng theo bà Sripapha Phetmeesri, AICHR có thể xem xét chủ sở hữu, nhà thầu và nhà cung cấp tài chính cho dự án có vi phạm nguyên tắc trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trong đó bao gồm các vấn đề tác động môi trường và bảo vệ nhân quyền, hay không.
Chính phủ Việt Nam và Campuchia lo ngại
Trong hai ngày 23 và 24/4, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm và làm việc tại Campuchia. Tại đây, hai bên đã chia sẻ nhiều vấn đề cùng quan tâm. Trong đó, có vấn đề về việc xây dựng thủy điện trên dòng sông Mekong, và đập Xayaburi nói riêng - con đập đang gây nhiều tranh cãi.
Người đứng đầu hai Chính phủ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tác hại tiêu cực, nghiêm trọng từ đập Xayaburi đến môi trường sống và sinh kế của người dân trên dòng chảy chính của sông Mekong.
Hai Thủ tướng mong muốn các nước ven sông, trước hết là Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và MRC thảo luận kỹ càng, thận trọng, đạt được sự đồng thuận trước khi đưa ra quyết định về việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mekong, vì sự phát triển bền vững, lâu dài của nhân dân các nước trong lưu vực sông Mekong.
Xayaburi là một trong 11 công trình thủy điện của nhiều nước dự kiến đặt tại hạ du dòng chính của sông Mekong. Công trình này nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, cách đồng bằng sông Cửu Long gần 2000 km. Đập thủy điện dự kiến dài 810 m, cao 32 mét, công suất dự kiến 1.260 MW. Hầu hết sản lượng điện của dự án trị giá 3,5 tỷ USD này sẽ được bán cho Thái Lan.
Hương Thu