Nông dân đào mương để dẫn nước từ một dòng suối bị ô nhiễm vào các cánh đồng. Ảnh chụp tại Côn Minh, Vân Nam, tháng 3/2013. Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại buổi họp báo hôm 4/6, Thứ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường trung quốc Li Ganjie nhận định nhìn chung môi trường đã có cải thiện, tuy nhiên chất lượng nước được đánh giá là không khả quan, chất lượng không khí ở nhiều thành phố ở mức nghiêm trọng.
Theo kết quả nghiên cứu năm 2013, khoảng 9% lượng nước, trong 10 lưu vực sông của Trung Quốc, được xếp ở cấp độ V, mức độ tồi tệ nhất. Trong gần 5.000 khu vực nước ngầm được theo dõi, hơn 60 % là có chất lượng kém hoặc rất kém.
Đối với nước ngoài khơi, chỉ 18,6 % lượng nước đạt tiêu chuẩn cấp độ IV. Chất lượng nước ở Biển Hoa Đông và 4 trong 7 vịnh lớn nhất của Trung Quốc cũng ở mức rất kém.
Xinhua dẫn lời ông Li cho hay, ô nhiễm và suy thoái đất đai khiến diện tích đất trồng trọt ở nhiều địa phương ngày càng giảm. Gần 300 triệu hecta đất, tương đương 30,7 % diện tích đất Trung Quốc, đang bị xói mòn.
ô nhiễm không khí là chủ đề được quan tâm trong thời gian gần đây tại Trung Quốc. Chỉ ba trong số 74 thành phố được theo dõi có chất lượng không khí đáp ứng tiêu chuẩn trong năm 2013.
Hồi tháng hai, tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô Bắc Kinh lần đầu tiên được xếp vào nhóm báo động vàng, mức độ cao thứ hai trong hệ thống cảnh báo ô nhiễm 4 bậc. Ô nhiễm không khí và khói bụi dày đặc ở nhiều thành phố khiến các trường học phải hủy lớp học ngoài trời hoặc thậm chí đóng cửa, các phương tiện phải hạn chế đi lại.
Thành phố Trùng Khánh ở tây nam Trung Quốc bị bao phủ trong sương mù dày đặc. Ảnh: China.org.cn |
Theo dữ liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, nồng độ hạt bụi phân tử PM 2.5 trong không khí ở mức 300 sẽ được coi là rất nguy hiểm. Trong khi đó, nồng độ PM 2.5 được ghi nhận ở Bắc Kinh vào tuần trước đã lên đến 500.
Linh Anh