Một số hóa thạch bộ hàm của rắn có niên đại 167 triệu năm. Ảnh: Michael Caldwell |
Nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Alberta, Canada, khai quật hóa thạch còn sót lại của 4 con rắn . Chúng xuất hiện sớm hơn khoảng 70 triệu năm so với hóa thạch rắn cổ nhất mà con người từng phát hiện. Khám phá trên cho thấy, loài rắn đã có từ cách đây 167 triệu năm, cùng thời đại với thằn lằn ngón cánh và khủng long.
Sọ, bộ hàm, xương sườn và răng hóa thạch có nhiều đặc điểm tương tự với rắn ngày nay. Hóa thạch rắn lâu đời nhất thuộc loài Eophis underwoodi, được khai quật ở miền nam nước Anh. Hóa thạch lớn nhất, loài Portugalophis lignites, có nguồn gốc từ mỏ than ở Bồ Đào Nha.
Cách đây 150 triệu năm, Anh và Bồ Đào Nha là khu vực đầm lầy ven biển trên chuỗi đảo lớn thuộc đường bờ biển Jurassic, bao phủ hầu hết khu vực phía tây và trung tâm châu Âu ngày nay. Qua vị trí phát hiện hóa thạch, các nhà khoa học cho rằng chúng đến từ môi trường biển.
"Điều này rất có thể xảy ra, giống như ngày nay nhiều loài động vật khác di chuyển khắp hành tinh bằng cách bơi. Gần như tất cả các loài rắn ngày nay đều sống thoải mái trong môi trường nước", CBSNews dẫn lời tác giả nghiên cứu Michael Caldwell nói.
Lê Hùng