Loài chuột cổ đại to lớn gấp 10 lần chuột ngày nay. Ảnh: IB Times |
Theo IB Times, Julien Louys và cộng sự tại trường đại học quốc gia Australia (ANU) phát hiện hóa thạch trên trong dự án đi tìm dấu tích di cư của người cổ đại ở Đông Nam Á. Bằng chứng tìm thấy cho biết, người cổ đại xuất hiện ở khu vực này khoảng 46.000 năm trước, sống cùng lũ chuột và ăn thịt chúng trong hàng nghìn năm.
Loài chuột này to cỡ con chó nhỏ, con lớn nhất nặng khoảng 5 kg, gấp 10 lần so với cân nặng của loài chuột lớn nhất hiện nay (khoảng 0,5 kg). Hóa thạch cho thấy có dấu hiệu của loài chuột này trong ống tiêu hóa của con người.
"Chúng tôi biết rằng, họ đã ăn những con chuột khổng lồ vì chúng tôi phát hiện dấu vết xương bị chặt và đun nấu. Điều thú vị nhất là, hai loài cùng tồn tại cho đến khoảng 1.000 năm trước", Julien Louys cho biết.
Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu nguyên nhân loài chuột khổng lồ này tuyệt chủng. Bằng cách tìm hiểu cách thức người xưa di cư tới Đông Nam Á, họ hy vọng sẽ biết được những tác động của con người lên hệ sinh thái nơi đây.
Louys cầm mảnh xương hàm của chuột khổng lồ (trái) so sánh với chuột hiện đại (phải). Ảnh: ANU |
"Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm dấu vết sớm nhất của người cổ đại, cũng như những gì tồn tại ở vùng đất trước khi họ đặt chân tới", Louys nói. "Một khi biết được hệ sinh thái ở đây như thế nào, trước khi con người tới, chúng ta sẽ hiểu được tác động của con người tới môi trường. Về loài chuột khổng lồ, chúng tôi cho rằng, chúng bị tuyệt chủng vì lúc đó công cụ kim loại bắt đầu du nhập vào Timor. Con người có thể khai thác rừng ở quy mô lớn hơn".
Trước đây, các nhà khoa học của Tổ chức nghiên cứu công nghệ và khoa học liên bang (CSIRO) Australia từng tìm thấy con chuột lớn nhất thế giới, cân nặng khoảng 6 kg, vẫn đang sinh sống ở đông timor năm 2010. Ken Aplin, chuyên viên của CSIRO lúc đó cho biết, "Con người đã sống trên đảo Timor hơn 40.000 năm, săn bắt và ăn thịt chuột suốt thời kỳ này, nhưng loài chuột không bị tuyệt chủng cho đến gần đây".
Hồng Hạnh