Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: N.Hiệp. |
Báo cáo sơ kết giai đoạn 2011-2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, tổng số bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế của Việt Nam là 11.738 lần, gấp 2,2 lần so với 5 năm trước, đạt mức cao so với mục tiêu.
Kết quả trên là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự nỗ lực của toàn ngành, nhưng phó thủ tướng vũ đức đam cho biết các nước khác cũng tăng gấp đôi. "Trong khi Việt Nam hơn 2.000 công trình, thì Malaysia có tới 10.000, Trung Quốc lên đến 260.000, còn Mỹ là gần 500.000", ông Đam nói tại buổi tổng kết 5 năm của Bộ Khoa học và Công nghệ.
"Trong gần 10.000 tạp chí ISI thì Việt Nam không có tạp chí nào; hay trong hơn 18.000 tạp chí Scopus thì có báo cáo nói Việt Nam có một tạp chí, có báo cáo nói 3", Phó thủ tướng nói và chỉ ra hiện trạng nhiều nhà khoa học Việt Nam chọn đăng công bố trên tạp chí khoa học của các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore. "Chúng ta phải làm sao đây", Phó thủ tướng đặt câu hỏi.
Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam và một số quốc gia giai đoạn 2011-2015. Nguồn: Web of Science. |
Nói về cơ sở vật chất của một số viện nghiên cứu, Phó thủ tướng cho biết ông không khỏi xót xa khi ngay cả các viện ở Trung ương "không chỉ chật hẹp, thiếu thốn mà còn nhếch nhác", đa số nhà khoa học phải kiếm sống thêm bên ngoài. Phó thủ tướng yêu cầu cần minh bạch quá trình tuyển chọn, nghiệm thu xét duyệt đề tài, nhiệm vụ, kể cả những ý kiến phản biện cũng phải công khai.
Năm năm qua, ngành khoa học đã đạt nhiều thành tựu như tốc độ đổi mới công nghệ thiết bị đạt 10-15%; số sáng chế đăng ký bảo hộ tăng gấp 1,5 lần, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được rút ngắn đáng kể trong xếp hạng năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Việt Thanh dẫn ra một số tồn tại như đội ngũ cán bộ phát triển về số lượng, còn chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu các tập thể khoa học mạnh, các viện nghiên cứu, trường đại học đẳng cấp quốc tế, thiếu các cán bộ đầu ngành có khả năng dẫn dắt hướng nghiên cứu mới hoặc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế.
ISI (Institute for scientific information) là Viện thông tin khoa học với tổng cộng khoảng 10.000 tạp chí khoa học uy tín, chất lượng cao. Chất lượng của các tạp chí ISI chủ yếu được đánh giá dựa trên quy trình kiểm duyệt để đăng bài và các thống kê về chỉ số được trích dẫn của các bài báo đăng trên tạp chí đó thông qua chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor, IF). Scopus là cơ sở dữ liệu tóm tắt và trích dẫn lớn nhất trên thế giới, bao gồm các thông tin học thuật đã được giới chuyên môn thẩm định. Đây được xem là công cụ thông minh để truy hồi, phân tích và hình thành một bức tranh tổng thể về từng chủ đề đã được nghiên cứu. Để được liệt kê vào danh sách Scopus, các tạp chí cũng được lựa chọn nghiêm ngặt. Số lượng tạp chí nằm trong Scopus gần gấp đôi số lượng nẳm trong ISI, nhưng không bao gồm tất cả mà chỉ chứa khoảng 70% số lượng tạp chí của ISI. |
Phạm Hương