Một sao chổi có độ sáng lớn trên bầu trời. Ảnh: astronet.ru. |
Artyom Novichonok và Vitali Nevski, hai nhà thiên văn người Nga, là những người đầu tiên phát hiện một sao chổi mới và gọi nó là 2012 S1. Liên minh Thiên văn Quốc tế xác nhận sự tồn tại của 2012 S1 vào ngày 24/9, National Geographic đưa tin.
Hiện nay 2012 S1 cách trái đất khoảng 990 triệu km và đang di chuyển giữa quỹ đạo của sao Thổ và sao Mộc. Nếu sử dụng kính thiên văn cỡ lớn, con người chỉ thấy 2012 S1 giống như một dải sáng mờ nhạt trong chòm sao Cancer (Cự Giải). Nhưng vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014, nó sẽ tới gần địa cầu và con người có thể thấy nó bằng mắt.
Đây sẽ là sao chổi sáng nhất mà chúng ta từng thấy, Raminder Singh Samra, một nhà thiên văn của Trung tâm Vũ trụ H.R MacMillan tại Canada, phát biểu.
Độ sáng của sao chổi phụ thuộc vào lượng khí và bụi thoát ra từ lõi - gồm băng và đá - của chúng. Lượng bụi và khí thoát ra càng nhiều thì lượng ánh sáng mà sao chổi phản chiếu càng lớn.
Do 2012 S1 là một sao chổi có kích thước lớn - với chiều rộng lên tới 3 km - và sẽ bay rất gần mặt trời nên các nhà thiên văn dự đoán nó sẽ có độ sáng lớn hơn cả trăng tròn vào buổi tối, Ngoài ra, dường như 2012 S1 đang di chuyển theo quỹ đạo của Sao chổi lớn 1680, một trong những sao chổi sáng nhất mà con người từng thấy từ trái đất.
Tuy nhiên, giới thiên văn vẫn chưa biết nguồn gốc của 2012 S1. Quỹ đạo của nó cho thấy có thể xuất phát từ đám mây Oort, nơi "cưu trú" của hàng tỷ sao chổi.
Minh Long