Hình minh họa siêu tân tinh ASASSN-15lh. Ảnh: Jin Ma/ Đài thiên văn Bắc Kinh. |
Theo phát hiện công bố hôm nay trên tạp chí Science, siêu tân tinh sáng nhất mà các nhà khoa học quan sát được cách Trái Đất 3,8 tỷ năm ánh sáng, trong thiên hà lớn gấp ba lần dải ngân hà .
Siêu tân tinh là một hiện tượng hiếm gặp xảy ra khi một ngôi sao khổng lồ phát nổ cuối vòng đời. Tuy nhiên, siêu tân tinh mới phát hiện rất đặc biệt vì nó sáng gấp đôi các siêu tân tinh khác. Việc tìm ra nó khiến Subo Dong, nhà khoa học tại Đại học Peking, Trung Quốc, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, hào hứng đến mất ngủ.
Lúc đầu, Benjamin Shappee, đồng tác giả nghiên cứu làm việc tại Viện Khoa học Carnegie ở Pasadena, California, Mỹ, tỏ ra hoài nghi các kết quả và cho rằng phát hiện là phi thực tế. "Những phát hiện kiểu này là lý do tôi trở thành một nhà thiên văn học. Tự nhiên rất giỏi sắp xếp và nó nằm ngoài trí tưởng tượng của chúng ta", Shappee chia sẻ với AP.
Siêu tân tinh mang tên ASASSN-15lh được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 14/6/2015. Tuy nhiên, các nhà thiên văn vẫn chưa tìm ra lời giải thích cho độ sáng của nó. Một trong nhiều giả thuyết là siêu tân tinh này có thể do hố đen kích hoạt. Giả thuyết khác cho rằng vụ nổ là kết quả của sao từ , một ngôi sao neutron rất hiếm gặp và quay nhanh với từ trường mạnh.
Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu đến ASASSN-15lh đến cuối năm nay. Họ sẽ sử dụng kính viễn vọng không gian hubble để tìm hiểu kỹ hơn về thiên hà nơi siêu tân tinh ASASSN-15lh tọa lạc.
Phương Hoa