nhện mạng phễu Australia được coi là loài nhện độc nhất. Ảnh: Wikipedia. |
So sánh độc tính của các loài nhện là một việc khó khăn do có nhiều mức độ ảnh hưởng. Vết đốt của một số loài nhện gây đau đớn trong khi nọc của các loài khác không cho cảm giác đau. Cách hợp lý nhất để so sánh có lẽ là xem xét các trường hợp tử vong trong lịch sử.
Theo IB Times, nghiên cứu năm 2000 thống kê có 422 trường hợp bị cắn bởi nhện Phoneutria, một loài nhện được xếp vào hàng nguy hiểm ở bờ biển phía đông Brazil. Một trong hai trẻ em bị thương nặng từ vết cắn đã tử vong. Tuy nhiên, hơn 80 % các nạn nhân còn lại không bộc lộ triệu chứng nào hoặc chỉ có một số triệu chứng rất nhẹ.
Theo nhà nghiên cứu Rick Vetter ở Đại học California, Riverside, Mỹ, trong số tất cả loài nhện độc được biết đến hiện nay, loài độc nhất là những con nhện mạng phễu Australia. Vết cắn của chúng gây tử vong cho trẻ nhỏ trong vài phút hoặc vài tiếng và khiến một người trưởng thành chết trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, sau khi thuốc chống nọc độc ra đời, chưa có ca tử vong nào được ghi nhận ở Australia.
Nọc độc của nhện góa phụ đen có thể gây hoại tử da. Ảnh: Wikipedia. |
Nhện góa phụ đen Latrodectus cũng nổi tiếng với vết cắn gây đau đớn. Tuy nhiên, nhờ hỗ trợ y tế và thuốc chống nọc độc, các ca tử vong chỉ còn thuộc về quá khứ. Những trường hợp chết người vào đầu thế kỷ 20 là do vết cắn xảy ra ngoài trời ở bộ phận sinh dục lộ ra, nơi lớp da mỏng và phân bố mạch cho phép nọc độc đi vào cơ thể nhanh hơn.
Phần lớn các vết cắn của nhện góa phụ chỉ dẫn đến những vấn đề nhỏ. Khoảng 10 % trường hợp nạn nhân phát triển hoại tử da mức độ nặng nhưng có thể dễ dàng điều trị. Gần 1 % trường hợp bị nọc ngấm vào hệ tuần hoàn, chủ yếu ở trẻ nhỏ và nọc có thể gây chết người trong 12 - 30 tiếng. Tuy nhiên, kỹ thuật thẩm tách và thủy hóa có thể giúp đảo ngược tác dụng của nọc độc ngấm vào cơ thể.
Phương Hoa