Đĩa sứ hoa lam được tìm thấy trên tàu cổ vật ở Bình Thuận. |
Tại tàu cổ Bình Thuận, người ta đã tìm thấy những đĩa sứ hoa lam có hoa văn chim phượng, hoa lá, miệng loe xiên, thành cong gãy, đế thấp, lõm, dính cát (hình bên), giống với hiện vật tìm thấy tại ngôi mộ của người Mường ở Hòa Bình thế kỷ 16-17. (Đế dính cát là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất của sản phẩm gốm sứ lò Chương Châu, Phúc Kiến thời kỳ này).
Hình 2. |
Cũng tại con tàu này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều đồ sứ vẽ nhiều màu trên men và sứ hoa lam - đặc biệt là bát hoa lam vẽ trang trí hoa sen và vịt (hình 2), tương đồng với hiện vật được khai quật tại những di chỉ của người Mạ cổ ở Lâm Đồng (hình 3). Những tiêu bản này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng và được công bố trong cuốn “Những sưu tập gốm sứ ở Lâm Đồng”.
Hình 3. |
Tương tự như vậy, bộ sưu tầm gốm sứ Lâm Đồng của ông Nguyễn Đức Tùng ở xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương cũng có nhiều loại tương đồng với hiện vật ở tàu Bình Thuận. Đặc biệt, loại đĩa sứ hoa lam vẽ chim phượng tìm thấy cả ở tàu Bình Thuận và bộ sưu tập của ông Tùng không chỉ tương đồng ở kiểu dáng, hoa văn, mà chân đế cũng đều dính nhiều cát.
Phát hiện về những hiện vật tương đồng của tàu cổ Bình Thuận và hai khu di chỉ cổ cách rất xa nhau (người Mường ở Hòa Bình và người Mạ ở Lâm Đồng) cho chúng ta hình dung rõ hơn về một luồng giao thương cách đây khoảng 4 thế kỷ. Trong những ghi chép cổ của các nhà truyền giáo phương Tây, ngay từ thời kỳ đầu của kỷ nguyên Thiên chúa giáng sinh, nước ta được coi là một chặng liên lạc thương mại giữa Trung Quốc với La Mã, Ấn Độ và những đế quốc vùng Trung Đông. Tuy nhiên thời hoàng kim của mối quan hệ này chỉ bắt đầu từ thế kỷ 16 trở đi, tức là trùng với niên đại của tàu cổ Bình Thuận. Thời kỳ đó, tuyến giao thương quốc tế qua vùng biển Việt Nam đặc biệt phát triển và cảng Hội An đã là một trung tâm thương mại sầm uất. Luồng giao thương này rõ ràng đã vươn tay tới tận những địa bàn mà sử sách phong kiến vẫn gọi là của các dân tộc “mọi”, “rợ” ở những địa bàn miền núi xa xôi, hiểm trở.
Nếu như vẫn có giả thuyết cho rằng dân tộc Mường là một trong những chủ nhân xa xưa nhất của miền Bắc nước ta, thì theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, cùng với người Stiêng, người Mạ có thể là một trong hai “chủ đất chính của Sài Gòn xưa” và là “một trong số các cư dân bản địa ở cao nguyên miền Trung Việt Nam”.
Tiểu quốc Mạ được hình thành trước cả khi đế quốc Phù Nam ra đời (đầu Công nguyên), với việc “tiểu vương Chê Mạ cai trị khắp vùng tây nam lưu vực sông La Ngà và về mạn bắc, trên cao nguyên Di Linh và Lâm Đồng ngày nay”. Theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, người Mạ cũng đã đóng góp một phần công sức không nhỏ vào sự nghiệp khẩn hoang của nhà Nguyễn tại đây.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, giám đốc Bảo tàng lịch sử Việt Nam, nhận định, tàu cổ Bình Thuận đã góp phần khẳng định thêm về giả thuyết của các nhà khoa học thế giới về sự tồn tại của “con đường gốm sứ” trên biển, song song với sự tồn tại của “con đường tơ lụa” nổi tiếng. Và vùng biển Việt Nam đã giữ một vai trò trọng yếu trên tuyến giao thương quốc tế cổ xưa này.
(Theo Lao Động)