Những họa tiết trong lòng đĩa cũng rất phong phú, mang hình chim, phượng, hoa cúc, vảy cá, trúc, hoa, chim, tôm, cá… Một số đĩa còn vẽ chữ Hán. Trong số này, các nhà khảo cổ rất lưu ý đến họa tiết sư tử vờn bóng và con tuần lộc - một sản phẩm của văn hóa phương Tây, có lẽ xuất hiện vào đời Thanh.
Cái bát với họa tiết ông lão múa lưỡng thiết côn. |
Cũng phải nói đến một chiếc đĩa bàn lớn, duy nhất, có đường kính hơn 40 cm. Trên đĩa là hình vẽ một ông lão đang múa lưỡng tiết côn. Theo các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, họ “chưa bao giờ nhìn thấy” họa tiết này.
Trong quá trình trục vớt, các thợ lặn còn phát hiện được một số xương người và vật dụng của thủy thủ đoàn, như chảo gang, chum loại lớn (có lẽ dùng để đựng nước trên tàu).
Sau khi đưa từ đáy đại dương lên, cổ vật được tẩy rửa và bọc trong xốp, nilon. Khi chuyển về kho lưu của Bảo tàng, các chuyên gia ngâm xả mặn tất cả cổ vật trong một số hồ, máng riêng, rồi hong khô chúng bằng quạt, ở nơi râm mát (theo nguyên tắc không phơi trực tiếp cổ vật dưới ánh nắng mặt trời).
Hiện tại, công việc trục vớt vẫn tiếp tục. Bảo tàng Bình Thuận chuẩn bị đón một chuyến hàng nữa vào bờ.
(Theo Tuổi Trẻ)