tê giác ấn độ bị giết liên tục trong thời gian qua khiến giới chức và kiểm lâm địa phương lo ngại. Ảnh minh họa: blogspot.com. |
Tê giác bị giết chủ yếu thuộc công viên quốc gia Kaziranga, bang Assam, nơi chiếm hơn hai phần ba số tê giác một sừng thế giới. Các kiểm lâm tại đây thậm chí đã đọ súng với bọn tội phạm để ngăn chặn việc giết hại động vật, nhưng thất bại.
"Những kẻ săn trộm bắn chết tê giác để lấy sừng. Trong hai tháng, chúng giết tới 13 con", NK Vasu, người giám sát công viên Kaziranga nói với AFP.
Các chuyên gia động vật hoang dã cho rằng, sừng tê giác quý như vàng là nguyên nhân hút nhóm tội phạm toàn thế giới ráo riết săn lùng chúng.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính, sừng tê giác được quốc gia này sử dụng chủ yếu trong y học và làm đồ trang sức. Người Việt Nam cũng tin rằng sừng tê giác có tác dụng chữa bệnh ung thư và chế biến chất kích thích tình dục. Tuy nhiên, giới khoa học luôn phủ nhận tác dụng "phi thường" của sừng tê giác.
Năm ngoái, tại Ấn Độ, ít nhất 21 con tê giác bị giết hại. Theo số liệu năm 2012, có 2.290 con tê giác một sừng sống tại công viên Kaziranga, trong khi số lượng tê giác toàn thế giới là 3.300 con.
Giới chức địa phương cho biết, họ đã tăng cường tuần tra an ninh và đang có kế hoạch tìm kiếm sự giúp đỡ từ người dân địa phương ở khu vực xunh quanh công viên nhằm bảo vệ loài tê giác quý hiếm.
Trang Nguyên