Đoàn Việt Nam đang ở nam phi để trực tiếp chứng kiến những mối đe dọa đối với sự tồn vong của tê giác tại đây và nạn thảm sát tê giác để lấy sừng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong buổi gặp mặt với đại diện Quỹ bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp (EWT), đoàn Việt Nam đã được nghe về thực trạng thảm sát tê giác tại Nam Phi.
Theo thống kê của EWT, chỉ trong 40 năm qua, lượng tê giác trên thế giới đã giảm tới 95%, chỉ còn 25.000 con trong tự nhiên. Nam Phi sở hữu tới hơn 70% quần thể tê giác trên toàn thế giới, nhưng riêng năm 2013, đã có ít nhất hơn 1.000 con tê giác bị thảm sát để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Các nhà bảo tồn cho hay nạn thảm sát tê giác tại Nam Phi không có chiều hướng suy giảm mà thậm chí ngày càng khốc liệt hơn. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay đã có ít nhất gần 700 con tê giác bị giết hại.
"Nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời thì chỉ trong 6 năm nữa, các loài tê giác trên thế giới sẽ bị tuyệt chủng", ewt cảnh báo.
Giới bảo tồn cảnh báo tê giác có thể bị tuyệt chủng trong 6 năm nữa. Ảnh minh họa: greenfudge.org. |
Đại diện đoàn Việt Nam, ca sĩ Hồng Nhung chia sẻ: "Điều đáng tiếc là cá thể tê giác một sừng cuối cùng của Việt Nam đã bị giết hại tại vườn Quốc gia Cát Tiên vào năm 2010. Giờ biết thêm những thông tin về nạn thảm sát tê giác tại Nam Phi, tôi cảm thấy rất đau buồn".
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các biện pháp để chấm dứt thực trạng trên, giúp thế hệ mai sau còn cơ hội ngắm loài động vật này trong tự nhiên, chứ không phải chỉ trên sách vở. Giới bảo tồn cho rằng việc này đòi hỏi sự hợp tác, nỗ lực của các quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là Việt Nam.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Việt Nam, cho biết: "Hải quan Việt Nam mong muốn có sự hợp tác sâu sắc, chặt chẽ hơn nữa với Hải quan Nam Phi trong việc trao đổi thông tin về các đường dây buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia nhằm xử lý triệt để nạn buôn bán sừng tê giác".
Các nhà khoa học cho rằng niềm tin mù quáng vào tác dụng của sừng tê giác như một loại thần dược để chữa bách bệnh và việc sử dụng sừng tê giác để thể hiện đẳng cấp, địa vị, đã khiến nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ngày một gia tăng dẫn đến tình trạng thảm sát tê giác ở Nam Phi.
Hương Thu